Trên 4% kế hoạch vốn đầu tư công chưa được phân bổ

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, hiện còn trên 29.519 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 4,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Tài chính, hiện còn trên 29.519 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chưa được phân bổ chi tiết. Ảnh: internet
Theo Bộ Tài chính, hiện còn trên 29.519 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chưa được phân bổ chi tiết. Ảnh: internet

Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 707.044,2 tỷ đồng. Đến hết tháng 7/2023, tổng số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 đã phân bổ là 724.527,7 tỷ đồng, đạt 102,47% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 47.003,0 tỷ đồng.

Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng là 47.003,0 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 677.524,7 tỷ đồng, đạt 95,82% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Như vậy, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 29.519,5 tỷ đồng, chiếm 4,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, các Bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 8.605,6 tỷ đồng, chiếm 4,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Các địa phương chưa phân bổ là 20.913,9 tỷ đồng, chiếm 4,08% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 20/50 bộ, cơ quan trung ương và 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,21%), Bộ Y tế (71%), Bộ Thông tin và Truyền thông (72,24%), Tuyên Quang (71,49%), Hòa Bình (69,19%)...

Nếu tách riêng kế hoạch vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã phân bổ của một số Bộ, ngành là khá cao như:  Bộ Công Thương (100%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (94%), Bộ Tài chính (63,06%)…

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính từ các bộ, ngành, địa phương, có nhiều nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Với nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023. Một số dự án thuộc Chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch hiện nay đang được các Bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục để triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023.

Ngoài ra, còn một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: Cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn; Đường Vành đai 4 vùng thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên); Kè đầm Cù Mông (tỉnh Phú Yên); cầu Văn Ly và đường dẫn (tỉnh Quảng Nam)... Một số Bộ, cơ quan trung ương (Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông) chưa phân bổ hết do đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023.

Vốn nước ngoài chưa phân bổ hết chủ yếu do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay (Quảng Trị, Phú Yên); chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư (Đắk Nông); địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do Tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết (Quảng Ninh).

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 43/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn 10/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện để giao chi tiết, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương.