Để thực thi quy định của Hiến pháp 2013 về bảo hiểm xã hội

TS. Phạm Đỗ Nhật Tân - Nguyên Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội)

(Tài chính) Hiến pháp 2013 với quy định tại Điều 34 đã mở rộng quyền đảm bảo bảo hiểm xã hội (BHXH) - quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng BHXH tới mọi công dân, tạo ra khả năng che chắn tới mọi thành viên trong xã hội.

Cần đổi mới căn bản phương thức hoạt động của hệ thống BHXH. Nguồn: internet
Cần đổi mới căn bản phương thức hoạt động của hệ thống BHXH. Nguồn: internet

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền về an sinh xã hội của công dân tại Điều 34. Theo đó công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Đây là điểm mới về quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.

Và để mọi công dân được bảo đảm quyền này, khoản 2 Điều 59 Hiến pháp quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Kết nối hai quy định này trong Hiến pháp 2013, có thể khẳng định rằng đây là các quy định thể hiện bước phát triển mới về quyền của công dân về an sinh xã hội nói chung và về BHXH nói riêng nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội tham gia cũng như sự thụ hưởng của mọi thành viên trong xã hội.

Nhìn chung, hệ thống các chính sách an sinh xã hội thường được phân thành 3 nhóm:  Nhóm mang tính chất chủ động phòng ngừa rủi ro tập trung vào các chính sách việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro tập trung vào các chính sách về BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT); và nhóm chính sách nhằm khắc phục các rủi ro là toàn bộ các chính sách về trợ cấp xã hội.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định: “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”.

Như vậy trong nội hàm về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân tại Điều 34 của Hiến pháp đã có nội dung quyền được bảo đảm BHXH của mọi công dân. Và hiến định này cũng phù hợp chiến lược toàn cầu hóa BHXH của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đề ra, theo đó cùng với việc phát triển việc làm, BHXH cần phải từng bước mở rộng đến tất cả mọi người.

Để cụ thể hóa các điểm mới của Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực BHXH, trước hết cần tiến hành tuyên truyền sâu rộng tới mọi cấp, mọi ngành, mọi thành viên trong xã hội, để các công dân chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc tham gia các loại hình BHXH theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH. Trong đó, luật sửa đổi phải mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH cả hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trên cơ sở mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh theo một lộ trình phù hợp và gia tăng độ tuân thủ của các đối tượng tham gia, kể cả người lao động và chủ sử dụng lao động tiến tới độ bao phủ tham gia BHXH đến toàn bộ người lao động.

Bên cạnh đó, cần giải quyết căn bản các bất cập nảy sinh khi thực thi các chế độ, chính sách BHXH theo quy định hiện hành, từng bước giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa các đối tượng tham gia thuộc các loại hình kinh tế khác nhau, tạo được sự công bằng hơn trong việc tham gia cũng như thụ hưởng BHXH của mọi đối tượng trong xã hội.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ một cách cụ thể để người nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia loại hình BHXH tự nguyện; duy trì và đảm bảo Quỹ BHXH cân đối trong dài hạn; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đăng ký tham gia cũng như khi giải quyết các chế độ thụ hưởng về BHXH.

Trong luật sửa đổi, cũng tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về BHXH, phân định rõ ràng, cụ thể về quyền và trách nhiệm cũng như sự phối hợp có hiệu quả trong việc quản lý đối tượng, thực hiện chế độ chính sách BHXH giữa các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương.

Mặt khác, cần đổi mới căn bản phương thức hoạt động của hệ thống BHXH theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động đăng ký tham gia, thực hiện các hoạt động chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động, khắc phục cao nhất cơ chế xin cho tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc công khai, minh bạch và chuyên nghiệp trong các hoạt động này.

Cuối cùng, cần có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật một cách có trọng điểm, thiết thực theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý và hoạt động sự nghiệp lĩnh vực BHXH; xây dựng một lộ trình cụ thể để hình thành cơ sở dữ liệu về BHXH trong phạm vi quốc gia cũng như từng địa phương...