Quyền kinh tế trong Hiến pháp sửa đổi

TS. NGUYỄN MINH PHONG

(Tài chính) Trong bản Hiến pháp sửa đổi, quyền kinh tế được đề cập ở rất nhiều điều, khoản, mục, nhất là tại chương II. Bởi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của quyền con người và quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ, nhằm "Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện" như Ðiều 3 và Ðiều 14 của Hiến pháp đã khẳng định.

Quyền kinh tế nói riêng, quyền con người, quyền công dân nói chung không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nguồn: internet
Quyền kinh tế nói riêng, quyền con người, quyền công dân nói chung không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nguồn: internet

Theo Hiến pháp sửa đổi, quyền kinh tế được xác lập và thực hiện cùng với quyền của mọi công dân Việt Nam được bình đẳng và không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Ðiều 16); quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Ðiều 23). Ðặc biệt, điểm nhấn quan trọng nhất của quyền kinh tế được Hiến định và bảo đảm trên thực tế bởi quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; quyền bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật giữa các chủ thể thành phần kinh tế.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường (Ðiều 32 và Ðiều 35).

Quyền kinh tế gắn kết chặt chẽ với quyền sử dụng đất với tư cách là tư liệu sản xuất đặc biệt và quyền tài sản của công dân, doanh nghiệp, tổ chức. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Ở một khía cạnh khác và toàn diện hơn, quyền kinh tế trong Hiến pháp sửa đổi được thực hiện trong sự quản lý kinh tế vĩ mô chung của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý và phải sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật các tài sản công và ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ quốc gia. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước.

Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia; có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quyền kinh tế còn được hỗ trợ bởi quyền người dân được bảo đảm an sinh xã hội; quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Ðồng thời, Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội và tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội; có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác; phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.

Hơn nữa, quyền kinh tế còn được củng cố, bảo đảm bởi quyền được tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Quyền kinh tế cũng được phối hợp thực hiện thông qua các cơ quan, đại biểu đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động và công dân. Theo Hiến pháp sửa đổi, Công đoàn Việt Nam đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ðại biểu Quốc hội đại diện cho lợi ích cử tri, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Cần nhấn mạnh là, quyền kinh tế nói riêng, quyền con người và quyền công dân nói chung được thực hiện không tách rời nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội vì lợi ích chung, bảo đảm an toàn xã hội theo yêu cầu phát triển bền vững. Vì vậy, Hiến pháp sửa đổi khẳng định việc thực hiện quyền kinh tế nói riêng, quyền con người, quyền công dân nói chung không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Ðiều 15).

Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng quyền của người khác, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Ðiều 44 và Ðiều 47). Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác...

Như vậy, có thể nhận thấy: Quyền kinh tế được xác lập trong Hiến pháp sửa đổi có độ mở lớn, liên kết rộng và chặt chẽ, không tách rời với các quyền con người, quyền công dân; đồng thời, có nội dung toàn diện, bao quát đầy đủ các khía cạnh, các quá trình, các hoạt động kinh tế, cả quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nhân và công dân. Hiến pháp cũng xác định rõ vai trò và nguyên tắc quản lý nhà nước trong bảo đảm quyền kinh tế, cùng những giới hạn an toàn cần thiết và tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được nêu trong các văn bản của Liên hợp quốc về nhân quyền. Ðây cũng là điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt những quy định về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là thành viên Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Nhận thức đúng đắn về quyền kinh tế trong Hiến pháp là chìa khóa giúp hiểu rõ, toàn diện và sâu sắc hơn về quyền con người, quyền công dân và môi trường kinh doanh ở Việt Nam; củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về chủ trương, chính sách quản lý của Nhà nước và triển vọng kinh tế đất nước; bác bỏ những định kiến, ngộ nhận và làm thất bại những giải thích vu khống, bóp méo, xuyên tạc vô tình hay cố ý, thiếu thiện chí của một số thế lực thù địch với Việt Nam...