Tuân thủ và chấp hành Hiến pháp trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội

Theo nhandan.com.vn

(Tài chính) Ngày 8/12/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh về việc công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Lệnh về việc công bố Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuân thủ và chấp hành Hiến pháp trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết nêu trên của Quốc hội đã được Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013.

Hiến pháp sửa đổi, đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố chính thức đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong tiến trình xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Ngay từ lời nói đầu, Hiến pháp đã khẳng định: Nhân dân Việt Nam là chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiến pháp sửa đổi với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại.

Theo Nghị quyết số 64/2013/Quốc hội13 của Quốc hội: Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền lực của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp bổ sung một yêu cầu rất quan trọng của nhân dân đó là: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Hiến pháp lần này bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đồng thời, khẳng định bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân.

Bản Hiến pháp sửa đổi lần này là kết quả của quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ. Phải khẳng định, đây là một cuộc sinh hoạt chính trị - pháp lý được nhân dân trong và ngoài nước tham gia đóng góp một cách đông đảo, dân chủ, sâu rộng và thực chất. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của nhân dân; các cơ quan có trách nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, tâm huyết để cuối cùng có được một bản Hiến pháp sửa đổi thông qua với sự đồng thuận rất cao. Thực tế cho thấy, Hiến pháp đã phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Ý Đảng, lòng dân đã được thể hiện hòa quyện sâu sắc trong bản Hiến pháp. Đó là bảo đảm chính trị -pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và Nhà nước ta vững bước vượt qua những thách thức mới của thời đại; là nhân tố để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng đưa Hiến pháp vào cuộc sống và để nước ta vững bước vào thời kỳ mới.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan, bộ, ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong cả nước là khẩn trương, nghiêm túc phổ biến, quán triệt đầy đủ và rộng khắp nội dung Hiến pháp sửa đổi, để Hiến pháp thật sự là cơ sở pháp lý của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp sửa đổi; kịp thời sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp; điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp. Các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước ban hành sau này cần có những quy định cụ thể để hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp, để Hiến pháp được mọi người, mọi tổ chức, mọi cơ quan tôn trọng và bảo vệ.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức liên quan khác có trách nhiệm nâng cao tình cảm và lòng tin về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành Hiến pháp; bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân cũng như tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.