Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Trần Huyền

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 01/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa cho Việt Nam.

Trong tháng 01/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa cho nước ta. Ảnh: internet
Trong tháng 01/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa cho nước ta. Ảnh: internet

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 01/2024 là 30,9 tỷ USD, tăng 1,49 tỷ USD so với tháng trước và tăng 7,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng 12/2023, nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu tiên của năm 2024 tăng ở 31/53 nhóm hàng, trong đó tăng mạnh nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,56 tỷ USD, tăng 446 triệu USD).

So với tháng 1/2023, nhập khẩu tháng 1/2024 tăng mạnh 34,4%, tương ứng tăng 7,9 tỷ USD do số ngày làm việc nhiều hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tăng nhiều nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện (tăng 2 tỷ USD).

Tổng cục Hải quan cho hay, nhập khẩu có 7 thị trường và nhóm thị trường đạt trên 1 tỷ USD, riêng Trung Quốc đóng góp tới 60% vào tăng trị giá nhập khẩu của cả nước so với tháng 01/2023.

Trong tháng 01/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa cho nước ta. Nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là 11,88 tỷ USD, tăng mạnh 65%, tương ứng tăng tới 4,66 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 7,9 tỷ USD tăng nhập khẩu của cả nước so với tháng 01/2023 thì tăng nhập khẩu sang Trung Quốc đã chiếm tới 60%, chủ yếu do tăng nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại và sản phẩm (ba nhóm hàng này tăng 2,81 tỷ USD).

Tiếp theo là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 4,19 tỷ USD, tăng 7,3% (tương ứng tăng 285 triệu USD); ASEAN đạt 3,62 tỷ USD, tăng 20,2% (tương ứng tăng 609 triệu USD); Nhật Bản đạt 1,95 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 275 triệu USD; Đài Loan đạt 1,94 tỷ USD, tăng 32% (tương ứng tăng 470 triệu USD); EU đạt 1,31 tỷ USD, tăng 28,3% (tương ứng tăng 289 triệu USD); Hoa Kỳ đạt 1,24 tỷ USD, tăng 33% (tương ứng tăng 310 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính của cả nước trong tháng đầu năm 2024 có thể kể đến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá nhập khẩu đạt 8,56 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước và xấp xỉ với mức cao nhất 8,58 tỷ USD của tháng 9/2023; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,98 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 45,1% so với tháng 01/2023; Nhóm hàng nhiên liệu (bao gồm than đá, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng) đạt 7,51 triệu tấn với trị giá là 2,28 tỷ USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 6,1% về trị giá so với tháng trước, so với tháng 1/2023, lượng nhập khẩu nhóm hàng nhiên liệu tăng 90% và trị giá nhập khẩu tăng 11,7%.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày có trị giá nhập khẩu trong tháng 01/2024 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước, tương ứng tăng 143 triệu USD và cao hơn 246 triệu so với mức nhập khẩu trung bình của năm 2023; Sắt thép các loại và sản phẩm nhập khẩu 1,61 tỷ USD, tăng 20,1% tương ứng tăng 268 triệu USD so với tháng trước, so với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng này đã tăng 76,6%, tương ứng tăng 696 triệu USD.

Nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm có trị giá nhập khẩu đạt 1,66 tỷ USD, tăng 14% tương ứng tăng 204 triệu USD so với tháng trước, so với cùng kỳ năm 2023, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này tăng 50,3% tương ứng tăng 554 triệu USD.

Hóa chất và sản phẩm hóa chất có trị giá nhập khẩu đạt 1,35 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước tương ứng giảm 19,4 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này tăng 37,3% tương ứng tăng 366 triệu USD.