Tưng bừng khai xuân, nhà đầu tư hưởng “trái ngọt” đầu năm

Theo Thy Hằng/diendandoanhnghiep.vn

MBS cho rằng, đà tăng của thị trường sẽ tiếp diễn khi các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ đưa mục tiêu VN-Index hướng đến mốc 1.548 điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết thúc phiên giao dịch đầu xuân Nhâm Dần, VN-Index đã có phiên tăng điểm ấn tượng với 18,7 điểm (1,26%) lên 1.497,66 điểm. HNX-Index tăng 2,6 điểm (0,62%) lên 419,33 điểm. UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (0,93%) lên 110,75 điểm. VN30 cũng tăng 9,01 điểm (0,59%) lên 1.541,25 điểm. Chỉ số VN30-Index rung lắc mạnh về cuối phiên do ảnh hưởng của VIC (-6%) cùng với BID (-1,1%), CTG (-1,6%) giảm giá. Tuy nhiên, số mã tăng vẫn chiếm ưu thế trong VN30-Index với 23 mã tăng và 5 mã giảm. GAS (+5,2%), GVR (+3,2%), VCB (+3,8%), POW (+6,3%), PLX (+4,6%), MSN (+3,4%), VHM (+2,4%), VRE (+1,6%) tăng giá tích cực.

Về nhóm ngành, nhóm Du lịch (VJC (+7%), HVN (+7%)) tăng mạnh khi du lịch được mở cửa trở lại trong khi đó nhóm thép (HPG (+2%), HSG (+5,1%), NKG (+4,5%)) cũng ghi nhận diễn biến hồi phục tích cực. Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh (KQKD) quý 4 tích cực cũng dạy sóng như HAH, FRT, MSN…

Thanh khoản thấp hơn phiên cuối cùng của năm Tân Sửu do giao dịch kém sôi động ở phiên chiều. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.582 tỷ đồng, giảm 11,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh ở sàn HoSE giảm 10,5% xuống mức 17.152 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng hơn 300 tỷ đồng ở sàn HoSE, với việc tập trung gom các mã như VHM, KBC, SSI... Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh với 300 tỷ đồng.

Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.486 điểm) trong phiên giao dịch kế tiếp.

Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền có thể sẽ chưa tăng mạnh tại các mức giá cao, điều này cũng thường diễn ra vào mùa công bố KQKD hàng quý. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh từ vùng bi quan quá mức cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.

Xu hướng ngắn hạn cùa thị trường chung cũng được nâng từ mức giảm lên trung tính. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu 30-35% danh mục và có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp tại các nhịp điều chỉnh trong phiên”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.

Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).
Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).

CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc hình thành mẫu nến spinning sau một phiên hồi phục tích cực khiến trạng thái thị trường trở nên trung tính hơn. Mặc dù cơ hội tiếp tục mở rộng xu hướng tăng vẫn được bảo lưu nhưng các nhịp giằng co điều chỉnh đan xen sẽ sớm xuất hiện, phản ánh sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. “Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn nhưng kê chốt lời 1 phần vị thế ngắn hạn tại các vùng giá cao khi giá cổ phiếu tiếp cận các vùng cản gần”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.

CTCK MB (MBS) nhận định, thị trường bật tăng mạnh mẽ sau kỳ lễ dài ngày cho phản ánh tâm lý nhà đầu tư bị dồn nén. Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí được hưởng lợi từ đang tăng của giá dầu thế giới, thị trường cũng hướng tới các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế như: hàng không, ô tô, cảng biển,… tâm lý nhà đầu tư cũng hưng phấn hơn khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có phiên phục hồi ấn tượng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu smallcap với mức tăng bình quân hơn 3% trong phiên 7/2.

“Chúng tôi cho rằng, đà tăng của thị trường sẽ tiếp diễn khi các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ như chỉ số VN-Index đã lấy lại MA50, chỉ báo MACD cũng cho tín hiệu cắt lên,… đưa mục tiêu của chỉ số VN-Index hướng đến mốc 1.548 điểm”, chuyên gia MBS lạc quan.

Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định rằng, áp lực điều chỉnh giảm có xu hướng gia tăng khi chỉ số vượt lên khỏi ngưỡng 1.500 điểm là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường vẫn đang thiếu vắng một động lực hỗ trợ đủ mạnh. Nhìn chung, chuyên gia VCBS cho rằng chỉ số sẽ cần thêm thời gian để tích lũy và ổn định lại mặt bằng giá quanh vùng điểm số 1.490 – 1.500 điểm.

Trong bối cảnh hiện tại, VCBS tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua đuổi cũng như sử dụng đòn bẩy với tỷ trọng lớn, đồng thời tiếp tục nắm giữ danh mục và chỉ nên tìm kiếm cơ hội giải ngân tại những thời điểm mà giá các cổ phiếu mục tiêu có sự điều chỉnh giảm đi cùng những nhịp rung lắc của thị trường chung. “Chúng tôi cũng cho rằng cơ hội sẽ nằm ở những cổ phiếu vốn hóa lớn có triển vọng tăng trưởng ổn định trong năm 2022, đồng thời giá vẫn chưa thực sự bứt phá trong tương quan với chỉ số chung”, chuyên gia VCBS nhấn mạnh.