Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán thuế

Bài viết được đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 4/2020

Trong những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đã phát huy vai trò tích cực.

CMCN 4.0 đang và sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm toán thuế.
CMCN 4.0 đang và sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm toán thuế.

Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, quy mô và lĩnh vực hoạt động đa dạng, phức tạp; hệ thống thuế thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế này cũng đang đặt ra không ít thách thức cho trong quá trình kiểm toán thuế để bắt kịp với dòng chảy của công nghệ số nói riêng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngành Thuế

Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ quản lý của ngành Thuế. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) và người dân, đồng thời góp phần quản lý, thúc đẩy số thu tăng trưởng nhanh và bền vững. Có thể điểm lại những kết quả tích cực trong ứng dụng CNTT trong quản lý thuế trên những góc độ sau:

- Về khai thuế điện tử: Đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến đầu tháng 12/2019, đã có 758.354 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,84% trên tổng số DN đang hoạt động; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận tính đến cuối tháng 12/2019 là gần 12 triệu hồ sơ.

- Về nộp thuế điện tử: Đã có 54 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế triển khai dịch vụ. Tính đến đầu tháng 12/2019, số DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ là 753.662, đạt tỷ lệ 99,22%. Số DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 752.270, đạt tỷ lệ 99,04%. Từ tháng 01/2019 đến 12/2019, có hơn 3,1 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 622.750 tỷ đồng.

- Về hoàn thuế điện tử: Tính từ ngày 01/01/2019 đến đầu tháng 12/2019, số DN tham gia hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 93,48%; Số hồ sơ tiếp nhận là 22.734 hồ sơ trên tổng số 23.738 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95,77%; Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 17.678 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 109.086 tỷ đồng.

- Về hóa đơn điện tử: Tính từ thời điểm triển khai đến nay, đã có trên 250 DN tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Tính từ 01/01/2019 đến 30/11/2019, có 1.212.068 hóa đơn đã được xác thực, tổng doanh thu xác thực là hơn 28.369 tỷ đồng, với tổng số thuế là hơn 2.483 tỷ đồng.

- Triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử đối với các khoản thu từ cho thuê tài sản: Đã kết nối dữ liệu thành công với 06 ngân hàng thương mại để triển khai khai thuế điện tử đối với tờ khai cho thuê nhà cho tất cả các cục thuế trên cả nước. Tính đến ngày 30/11/2019, có 61.560 tài khoản, đăng ký triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; 111.330 tờ khai đã gửi...

- Về Chỉ số môi trường kinh doanh: Theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội năm 2020 đã có những cải cách mạnh mẽ và tăng bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số được đánh giá (tăng 22 bậc từ 131 lên 109) với 69 điểm. Ngân hàng Thế giới ghi nhận, Việt Nam thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế.

- Về kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN: Tại "Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của DN năm 2019" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, năm 2019, mức độ hài lòng của DN về cải cách hành chính thuế ngày càng tăng. Theo khảo sát của VCCI, kết quả đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm (tương đương gần 78%, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016, tăng 7 điểm % so với năm 2014).

- Về kết quả dịch vụ công trực tuyến: Kết quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thể hiện sự nỗ lực của cơ quan Thuế trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường tương tác giữa cơ quan quản lý thuế và DN, người dân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thông qua việc kết nối mạng internet. Qua đó, người nộp thuế có thể trực tiếp gửi hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế, lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước và giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử một cách nhanh chóng tại một địa chỉ duy nhất là Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Cơ hội và thách thức trong ứng dụng công nghệ với hoạt động kiểm toán thuế

Nhằm tiếp tục hiện đại hoá lĩnh vực thuế và triển khai thực hiện Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, tới đây, ngành Thuế sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ bằng phương thức điện tử (khai, nộp, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản).

CMCN 4.0 đã làm thay đổi phương thức kiểm toán thuế hiện nay bằng cách khai thác hồ sơ điện tử khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế... trong khi đó, kiểm toán viên hiện nay đang khai thác các dữ liệu của ngành Thuế bằng phương pháp trích xuất dữ liệu từ kho dữ liệu của ngành Thuế, để phục vụ cho tất cả các khâu trong hoạt động kiểm toán thuế.

Như vậy, CMCN 4.0 đang và sẽ tác động rất lớn đến phương pháp quản lý, điều hành của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN); đối tượng, phạm vi, quy mô kiểm toán thuế; phương thức kiểm toán thuế trên cơ sở dữ liệu số; các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ kiểm toán thuế, kỹ năng công nghệ thông tin và khai thác các chương trình quản lý thuế của kiểm toán viên. Bối cảnh đó cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong ứng dụng công nghệ với hoạt động kiểm toán thuế, cụ thể:

Về cơ hội

Việc cập nhật, nắm bắt xu thế, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán, đã từng bước đưa công nghệ trở thành công cụ hữu ích cho hoạt động kiểm toán , đây là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán trong thời gian tới. Vấn đề này được toàn ngành KTNN nhận thức rõ thông qua các kế hoạch, chương trình hành động. Chiến lược của Ngành đều đề cập đến việc ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán thuế.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, KTNN đã tích cực nghiên cứu, từng bước đưa những ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán. Kết quả bước đầu từ việc ứng dụng công nghệ đã mang lại thay đổi rõ nét trong hoạt động kiểm toán.

Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp cho hoạt động kiểm toán đạt hiệu quả hơn so với trước, không dừng lại ở con số kiến nghị xử lý tài chính mà công nghệ còn giúp cho hoạt động kiểm toán được công khai, minh bạch hơn...

Về thách thức

Những bất cấp, hạn chế trong ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán thuế hiện nay có thể kể đến như sau:

- Hiệu quả ứng dụng CNTT hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được theo yêu cầu của công tác kiểm toán thuế. Cụ thể: Chưa thống nhất về các danh mục, cơ sở dữ liệu dùng chung dẫn đến khó khăn trong việc liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu; chưa xây dựng được công cụ kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin của ngành Thuế để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán; chưa thực hiện chuẩn hóa, xây dựng các tiêu chuẩn về dữ liệu phục vụ kiểm toán; chưa xây dựng đầy đủ các công cụ hỗ trợ kiểm toán cho các lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt chưa có phần mềm hỗ trợ kiểm toán lĩnh vực kiểm toán thuế bằng CNTT; chưa xây dựng được hệ thống quản trị dữ liệu lớn cùng các công cụ thu thập, chuẩn hóa, phân tích, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý...

- Ngành KTNN đang thiếu hụt kiểm toán viên, vừa có nghiệp vụ kiểm toán thuế, vừa giỏi CNTT. Công tác đào tạo kiểm toán viên dù đã được KTNN quan tâm nhưng số lượng kiểm toán viên đạt chất lượng, có đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn làm việc trong môi trường CMCN 4.0 hiện nay chưa nhiều. Công tác kiểm toán thuế hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ, trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Do vậy, về lâu dài nếu kiểm toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Một số đề xuất, kiến nghị

Từ những kết quả đã đạt được và những bất cập còn tồn tại, để tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán thuế, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán thuế, cụ thể:

Một là, KTNN cần xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn thông tin từ các cơ sở dữ liệu của ngành Thuế phục vụ công tác kiểm toán thuế. Đẩy nhanh việc xây dựng công cụ kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin của ngành Thuế để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán; Xây dựng các phần mềm hỗ trợ kiểm toán lĩnh vực kiểm toán thuế bằng CNTT; Nghiên cứu ứng ụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain trong xây dựng được hệ thống quản trị dữ liệu lớn cùng các công cụ thu thập, chuẩn hóa, phân tích, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý...

Hai là, chú ý cách thức, phương pháp xác định, đánh giá tính phù hợp của các bằng chứng kiểm toán số mà cơ quan KTNN thu thập được từ các hệ thống CNTT của ngành Thuế.

Ba là, thay đổi các tiêu chuẩn, quy trình kiểm toán để phù hợp với phương pháp kiểm toán thuế trong thời kỳ CMCN 4.0. Theo đó, chuyển quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số và phương thức kiểm toán dữ liệu lớn của các công nghệ số tiên tiến, tiêu biểu là dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật thông qua việc: số hóa, tích hợp dữ liệu để tạo ra dữ liệu đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán và tổ chức tốt các dữ liệu này; dùng công nghệ số, đặc biệt trí tuệ nhân tạo để phân tích và sử dụng nguồn dữ liệu cho hoạt động kiểm toán.

Bốn là, dành nguồn lực thích đáng cho việc đầu tư trang thiết bị và phần mềm phục vụ kiểm toán thuế. Theo đó, chú trọng đầu tư phát triển các công cụ phần mềm hỗ trợ kiểm toán viên; đồng thời, đầu tư trang thiết bị công nghệ đặc thù đáp ứng yêu cầu kỹ thuật kiểm toán.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo kiểm toán viên. Để việc ứng dụng các phần mềm mới vào hoạt động kiểm toán hiệu quả, thì cần có đội ngũ nhân lực vừa tinh thông về chuyên môn kiểm toán, vừa có hiểu biết về CNTT để có thể phối hợp với các chuyên gia công nghệ phát triển các ứng dụng CNTT, tăng tính chủ động trong quá trình kiểm toán. Do đó, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ sung nhân sự kiểm toán có hiểu biết về CNTT.

Sáu là, cần có giải pháp để tăng tính bảo mật thông tin trong quá trình kiểm toán. Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán thuế luôn phải đối mặt với những rủi ro về an toàn hệ thống mạng, mất cắp dữ liệu, bị hacker tấn công, phá hoại… Trong bối cảnh đó, KTNN cần chú trọng xây dựng các giải pháp bảo mật đa tầng, nhiều lớp đối với hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm, hệ thống điều hành quản trị…

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Kiểm toán Nhà nước;
2. Bộ Tài chính (2020), Báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020;
3. Bộ Tài chính (2020), Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019 của Bộ Tài chính;
4. Kiểm toán Nhà nước (2019), Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030