Ba năm, chỉ khởi tố một đối tượng rửa tiền: Vì sao?

PV.

Những năm gần đây, tội phạm rửa tiền đã xuất hiện ở Việt Nam, diễn biến ngày càng phức tạp, đã và đang tác động đến nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Tuy nhiên, với tội danh rửa tiền thì cho đến nay, Việt Nam mới chỉ khởi tố một đối tượng, đó là vụ Giang Văn Hiển (bố đẻ của Giang Kim Đạt - Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines - bị truy tố về tội tham ô tài sản vào cuối tháng 10/2016) giúp con trai hợp thức hóa tiền tham ô bằng cách đứng tên mua nhà, bất động sản, ô tô và tài sản khác.

Gian nan trong điều tra, xử lý về tội danh rửa tiền

Cùng với Luật Phòng, chống rửa tiền, còn có một số nghị định, thông tư quy định về việc xử lý hành vi này, trong đó quy định về việc phải báo cáo đối với các giao dịch có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) trong ngày. Khi nghi ngờ có hoạt động rửa tiền tại các báo cáo giao dịch, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ phân tích, rà soát, sàng lọc thông tin, truy xuất và chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo số liệu thống kê của C46 (Bộ Công an), trong năm 2013, Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển cho Cơ quan điều tra thông tin 23 vụ việc liên quan 201 báo cáo giao dịch đáng ngờ; năm 2014, chuyển thông tin 59 vụ việc liên quan 242 báo cáo giao dịch đáng ngờ; năm 2015, chuyển thông tin 105 vụ việc liên quan thông tin giao dịch đáng ngờ.

Từ những thông tin do Cục Phòng, chống rửa tiền chuyển tới, cơ quan công an đã bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm như: đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua internet; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có… Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế nhất định khi đi sâu điều tra, xử lý về tội danh rửa tiền.

Từ khi Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực (năm 2013) đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng nghìn vụ án thuộc 73 tội danh "tiền thân" của tội rửa tiền. Còn với tội danh rửa tiền thì mới chỉ khởi tố một đối tượng, đó là vụ Giang Văn Hiển (bố đẻ của Giang Kim Đạt - Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines - bị truy tố về tội tham ô tài sản vào cuối tháng 10/2016) giúp con trai hợp thức hóa tiền tham ô bằng cách đứng tên mua nhà, bất động sản, ô tô và tài sản khác.

Sẽ có biện pháp nhận diện hành vi rửa tiền mạnh hơn

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác điều tra tội phạm rửa tiền, thu hồi tài sản phạm tội, đại diện C46 cho biết, thông tin về các giao dịch đáng ngờ thường liên quan nhiều đối tượng, nhiều tổ chức tại các địa phương khác nhau, thậm chí cả ở nước ngoài, không tập trung tại một địa phương nhất định. Việc xác minh mất nhiều thời gian, qua nhiều đơn vị chức năng cho nên chưa kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc bắt giữ đối tượng.

Bên cạnh đó, muốn xử lý hành vi “rửa tiền” phải chứng minh yếu tố chủ quan, có nghĩa phải chứng minh được chủ thể tội phạm biết rõ tiền “bẩn”, tiền do phạm tội mà có nhưng vẫn có hành vi hợp thức hóa. Mặt khác, phải chứng minh hành vi phạm tội đã tạo ra tiền “bẩn”. Đây thật sự là một công việc khó khăn phức tạp đối với công tác điều tra, bởi chứng minh thành công tội phạm nguồn đã khó, chứng minh thêm hành vi cất giấu tiền, giúp sức rửa tiền càng khó khăn hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Long, Phó Cục trưởng C46 (Bộ Công an), mặc dù việc đấu tranh, đấu trí với loại tội phạm này vô cùng khó khăn, nhưng Cơ quan điều tra sẽ có biện pháp chứng minh được hoặc tìm ra đồng phạm biết người thân tham nhũng, chiếm đoạt tiền nhưng không tố giác.

Hiện nay, C46 đang tham mưu đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát phương án, tăng cường phòng, chống loại tội phạm rửa tiền; Tăng cường chỉ đạo để khởi tố điều tra về các hành vi có dấu hiệu của tội rửa tiền; đồng thời truy xét, thu hồi đến mức cao nhất số tài sản của Nhà nước và cá nhân bị tội phạm chiếm đoạt.