Các quy định của Việt Nam về hành vi rửa tiền

Trịnh Thanh Huyền, Nguyễn Thị Mai, Viện Đào tạo quốc tế - Học viện Tài chính

(Tài chính)Rửa tiền đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế và được cả cộng đồng thế giới quan tâm. Nó không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà còn là vấn đề cấp thiết của ngay cả các quốc gia đang trong quá trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập như Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hành vi rửa tiền trên thế giới

Rửa tiền (money laundering) cách nói ẩn dụ là "làm sạch đồng tiền" phù hợp theo luật pháp, là hoạt động giao dịch tài chính đặc biệt để giấu tên, nguồn và nơi đến của đồng tiền, là hoạt động chính của kinh tế ngầm. Một cách tổng quát, rửa tiền là một tập hợp những hành động nhằm che giấu nguồn gốc đồng tiền có được nhờ buôn lậu, buôn bán ma tuý, tham nhũng... và chuyển thành những khoản tiền hợp pháp. Trong quá trình che giấu nguồn gốc của khoản tiền bất hợp pháp, tội phạm rửa tiền sử dụng rất nhiều phương pháp, cách thức khác nhau nhằm cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất, chủ sở hữu thực sự của số tiền đó.

Đồng tiền, như một tục ngữ phương Tây đã từng nói, vốn không có mùi, có nghĩa là dù bẩn dù sạch, nó vẫn được mọi người quý trọng như nhau vì đều có quyền năng như nhau khi thực hiện chức năng trao đổi. Nhưng đồng tiền thu được từ những hoạt động phi pháp, theo một nghĩa bóng, là những đồng tiền đã nhuốm bẩn tội ác, thậm chí vấy máu. Và những tên tội phạm khi có được những đồng tiền đó, thường tìm mọi cách “rửa” chúng, biến chúng thành những đồng tiền “sạch”.

Hoạt động rửa tiền vốn đã xuất hiện từ lâu, thậm chí theo nhiều sử gia, hơn ba ngàn năm trước các thương gia Trung Quốc đã biết “rửa tiền” để tránh thuế của triều đình. Tuy nhiên, cụm từ “rửa tiền” lần đầu tiên xuất hiện, cùng với mối quan tâm đối với “rửa tiền” thực sự tăng lên từ vụ bê bối Watergate trên chính trường Mỹ của Tổng thống Richard Nixon vào những năm 70 của thế kỷ 20. Xuất phát từ việc phát hiện và bắt giữ 5 tên trộm đột nhập khu văn phòng Đảng dân chủ tại khách sạn Watergate, hàng loạt các bê bối của tổng thống Nixon đã bị bại lộ, trong đó điển hình là việc ông này câu kết với giới mafia và sử dụng những “đồng tiền bẩn” để thắng cử tổng thống trước đó. Sau khi nhận chức, ông này tiếp tục hợp tác làm ăn, bao che, giúp đỡ cho giới tội phạm. Có thể nói, đây là vụ việc rửa tiền điển hình nhất trong lịch sử, với sự tham gia của PEPs, hệ thống tội phạm có tổ chức - mafia, và tất nhiên trung tâm là những đồng tiền bẩn.

Ngày nay, thuật ngữ “rửa tiền” được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới và được mở rộng tới bất kỳ giao dịch tài chính nào mà phát sinh tài sản hay giá trị là kết quả của một hành vi phạm pháp. Rửa tiền có thể được thực hiện bởi các cá nhân, doanh nghiệp lớn và nhỏ, những viên chức tha hóa, những thành viên của tổ chức phạm tội có tổ chức, như người phân phối ma túy hay tổ chức mafia. Hành động chuyển những khoản tiền hợp pháp để phục vụ cho mục đích tài trợ khủng bố cũng được coi là một dạng rửa tiền trong điều kiện hiện nay.

Các hình thức rửa tiền theo quan điểm của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế

Với tính nghiêm trọng ngày càng cao và phạm vi ngày càng rộng, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đến nay đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức trên thế giới. Tổ chức quốc tế quan trọng nhất trong việc phòng, chống rửa tiền là Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) do nhóm G7 thành lập tại Paris năm 1989, hoạt động với mục tiêu chính là chống tham nhũng và ngăn chặn giao dịch tài chính bất hợp pháp. Theo FATF, rửa tiền bao gồm các hình thức chính sau đây:

- Việc cố ý che giấu nguồn gốc, bản chất, cất giấu, di chuyển hay chuyển quyền sở hữu tài sản phạm pháp nhằm tránh bị truy tố

- Liên quan đến bất cứ thương vụ hoặc giao dịch nào với tội phạm rửa tiền

- Việc cố ý mua, sở hữu hay sử dụng tài sản phạm pháp.

- Việc che dấu thông tin, giúp đỡ đối tượng phạm pháp tránh sự trừng phạt của pháp luật

- Tiết lộ thông tin điều tra cho đối tượng đang bị tình nghi

Theo Hướng dẫn Chống rửa tiền của Anh quốc, rửa tiền có thể tồn tại dưới rất nhiều hình thức, bao gồm:

- Việc cố ý/cố gắng chuyển các đồng tiền thu được từ hoạt động tội phạm thành “tiền sạch” – vốn được coi là hình thức rửa tiền cổ điển nhất;

- Tham gia hưởng hoặc liên quan đến lợi ích từ các hoạt động tội phạm như trộm cắp, gian lận và trốn thuế;

- Nắm giữ các tài sản, hàng hoá do phạm tội mà có;

- Liên quan trực tiếp đến các tài sản của tội phạm và khủng bố, hoặc tham gia vào các cam kết tạo điều kiện cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố; và

- Tội phạm rửa tiền thông qua đầu tư tiền phạm tội vào một loạt các sản phẩm tài chính

Quy định của Việt Nam về rửa tiền

Rửa tiền đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế và được cả cộng đồng thế giới quan tâm. Nó không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà còn là vấn đề cấp thiết của ngay cả các quốc gia đang trong quá trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập như Việt Nam.

Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) nhấn mạnh Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu cho các hoạt động rửa tiền do có mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức lớn, khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn; đồng thời hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các tổ chức tài chính còn kém phát triển; hệ thống luật pháp phòng, chống rửa tiền chưa hoàn chỉnh, nghiêm khắc. Hơn nữa, khi các trung tâm tiền tệ hàng đầu thế giới nỗ lực chống lại các hoạt động rửa tiền thì những tội phạm rửa tiền lại có thêm động cơ để chuyển hoạt động rửa tiền sang các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997, Điều 19 đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng chưa sử dụng thuật ngữ “rửa tiền”, đó là:

- Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng không được che giấu, thực hiện bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khoản tiền có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.

- Trong trường hợp phát hiện các khoản tiền có dấu hiệu bất hợp pháp, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng phải thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo khoản 1, điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

- Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Như vậy, về thực chất quy định về chống rửa tiền thông qua hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đã có từ năm 1997, nhưng chưa đề cập cụ thể về nội dung và khái niệm các hoạt động “rửa tiền”, đến Nghị định số 74/2005/NĐ-CP, thuật ngữ “rửa tiền” mới được sử dụng phổ biến và sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền chính thức được ban hành ngày 18/06/2012 và có hiệu lực từ 01/01/2013, các vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền mới nhận được sự quan tâm rộng rãi như hiện nay./.