Châu Âu tìm cách đối phó với thủ đoạn rửa tiền mới

PV.

Hàng năm, hàng trăm tỷ USD tiền “bẩn” đã được tẩy rửa tại châu Âu - trung tâm tài chính - chính trị của thế giới, nơi các hoạt động kinh tế diễn ra nhộn nhịp và có giá trị cao.

Nguồn gốc tiền bẩn rất đa dạng như từ hoạt động mại dâm, lừa đảo, buôn bán ma túy, trộm cắp xe hơi hạng sang, bán độ, tổ chức nhập cư bất hợp pháp… nhưng phổ biến nhất vẫn là nguồn tiền từ tội phạm tham nhũng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các đối tượng rửa tiền ở châu Âu không chỉ rửa tiền thông qua dòng tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng mà sử dụng nhiều tiện ích của tiền ảo. Để kiểm soát, truy nguyên và thu hồi tài sản từ dòng tiền ảo này là một thách thức mới đặt ra đối với cảnh sát châu Âu.

Nhằm ứng phó, Ủy ban chống tội phạm rửa tiền của Europol đã được thành lập với các sỹ quan cảnh sát kinh tế và chuyên gia tài chính nhiều kinh nghiệm chuyên nghiên cứu, thu thập, phân tích và tiến hành hỗ trợ cảnh sát các nước thành viên điều tra, truy tìm nguồn gốc tiền bẩn.

Bên cạnh đó, Europol còn thành lập Trung tâm dữ liệu thông tin tội phạm tài chính (FCIC). Với hơn 1.200 chuyên gia từ cảnh sát các nước châu Âu được quyền truy cập, FCIC là công cụ hữu hiệu và bảo mật cao để cảnh sát châu Âu chia sẻ thông tin, cập nhật những kiến thức cần thiết và thủ đoạn mới nhất của tội phạm rửa tiền, thông tin về  những đối tượng hoặc hoạt động tình nghi, hồ sơ đối tượng hoặc hồ sơ vụ án đã xảy ra liên quan đến rửa tiền….

Theo đó, cơ sở dữ liệu về tội phạm tham nhũng và tội phạm khủng bố quốc tế của Europol và Interpol được liên kết và chia sẻ giúp cảnh sát các quốc thành viên Europol theo dõi các đối tượng tham nhũng ngay từ đầu khi chúng có ý định nhập cảnh hoặc chuyển tài sản vào châu Âu nhằm ngăn chặn kịp thời hoạt động rửa tiền của chúng.