Chống rửa tiền – Cuộc chiến không của riêng ai!

PV.

Phòng chống rửa tiền không chỉ góp phần cho nền kinh tế đất nước phát triển ổn định mà còn đảm bảo an ninh kinh tế - tiền tệ quốc gia. Phòng chống rửa tiền không chỉ là công việc riêng của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, mà là việc làm của mọi ngành, mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.

Rửa tiền gây ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh về lưu thông tiền tệ của một quốc gia, làm giảm giá trị của nội tệ
Rửa tiền gây ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh về lưu thông tiền tệ của một quốc gia, làm giảm giá trị của nội tệ

Là quốc gia sử dụng tiền mặt chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phương tiện thanh toán, nên Việt Nam luôn phải đương đầu với tội phạm rửa tiền. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 tổng số giao dịch khả nghi trị giá khoảng 51.000 tỷ đồng, năm 2013, tổng số giao dịch khả nghi trị giá khoảng 79.000 tỷ đồng, năm 2014, tổng số giao dịch khả nghi trị giá khoảng 119.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, rửa tiền không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh về lưu thông tiền tệ của một quốc gia, làm giảm giá trị của nội tệ, mà vấn nạn này còn gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế - xã hội và an ninh của quốc gia.Rửa tiền tác động xấu đến nền kinh tế vĩ mô: Làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của các chính sách kinh tế; hoạt động rửa tiền làm xói mòn niềm tin vào các thị trường tài chính. Bên cạnh đó, rửa tiền cũng tạo đất sống cho tham nhũng, các giao dịch bất hợp pháp tăng lên...

Hiện nay, công tác phòng chống rửa tiền đang trở nên cấp bách và đang là mối quan tâm hàng đầu không chỉ với Ngân hàng Nhà nước mà là tất cả các ban, ngành tại Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp nhằm chống rửa tiền. Tuy nhiên, bài toán làm sao có thể hạn chế hiệu quả vấn nạn rửa tiền luôn là thách thức lớn đối với không chỉ đối với Việt Nam mà ngay cả các nước có nền kinh tế phát triển và có kinh nghiệm trong chống rửa tiền như Mỹ, Australia, Đức…

Theo các chuyên gia kinh tế, công tác phòng chống rửa tiền hết sức phức tạp, cần phải xác định là việc làm lâu dài, là cuộc chiến không chỉ riêng ai, mà đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong thời gian tới, do hoạt động rửa tiền diễn ra ngày càng tinh vi, dưới nhiều hình thức và liên tục thay đổi cách thức nhằm trốn tránh sự điều tra của cơ quan chức năng, do vậy để công tác phòng chống rửa tiền hiệu quả, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền. Luật Phòng chống rửa tiền và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền của nước ta được xây dựng theo kinh nghiệm và luật pháp quốc tế, song cũng cần đặt trong những đặc thù của Việt Nam chẳng hạn như: Tình trạng sử dụng tiền mặt còn rất phổ biến; Việc công khai tài sản, minh bạch các giao dịch vẫn còn khó khăn; Nhận thức của các cơ quan quản lý và người dân về công tác chống rửa tiền chưa đồng đều; Phương thức giao dịch điện tử chưa phổ biến... Do vậy, cần sửa đổi và bổ sung Luật Phòng chống rửa tiền cho phù hợp tình hình thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần sửa đổi và bổ sung các Luật có liên quan đến thanh toán, như: Luật Giao dịch bằng tiền mặt; Luật Séc, Luật Hối phiếu nhằm giảm thiểu các giao dịch bằng tiền mặt tại Việt Nam…

Hai là, hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng giao dịch tràn lan bằng đô la nhằm giảm thiểu tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Một số chuyên gia cảnh báo rằng, tình trạng đô la hóa sẽ làm tăng nạn rửa tiền qua ngoại tệ. Bởi vậy, việc hạn chế tình trạng đô la hóa trên thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung là cần thiết, không chỉ giúp kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ ổn định mà còn góp phần vào cuộc chiến chống rửa tiền.

Ba là, tăng mức độ xử phạt đối với hành vi rửa tiền nhằm răn đe và ngăn chặn ý định rửa tiền. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các chế tài xử phạt càng nặng thì càng mang lại hiệu quả cao đối với công tác chống rửa tiền. Các chế tài này không chỉ dành cho kẻ tham gia hoạt động rửa tiền, mà còn cả đối với các cơ quan, cá nhân liên quan không tuân thủ quy định về chống rửa tiền hoặc thực hiện công tác ngăn chặn rửa tiền kém hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng do sự tắc trách hoặc làm việc thiếu hiệu quả.

Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin với công nghệ hiện đại, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ để phát hiện, xử lý tình trạng rửa tiền dưới những chiêu thức ngày càng tinh vi của bọn tội phạm tại các tổ chức tài chính vẫn còn nhiều hạn chế, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được kì vọng. Trong thời gian tới, hệ thống công nghệ thông tin này cần đồng bộ hóa và nâng cấp hệ thống theo hướng: đáp ứng đúng quy định của pháp luật, phân tích giao dịch, hỗ trợ sàng lọc, nhận biết khách hàng, báo cáo, lưu trữ thông tin… nhằm giúp sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt đáng ngờ, đồng thời xây dựng cơ chế báo cáo tự động để có thể báo cáo kịp thời trong nội bộ và cho cơ quan quản lý.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; Thường xuyên chú trọng tổ chức tập huấn về phòng chống rửa tiền cho các các cơ quan quản lý liên quan, các tổ chức tài chính… Tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… trong việc hướng dẫn, kiểm tra chấp hành các biện pháp phòng chống rửa tiền của các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Công tác phòng chống rửa tiền hết sức phức tạp và xác định là việc làm lâu dài, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do vậy, đây không chỉ là công việc riêng của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, mà là việc làm của mọi ngành, mọi giới và mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.