Cơ chế phòng ngừa tội phạm rửa tiền quốc tế hiệu quả

PV.

Các chuyên gia cho rằng, để chống lại loại tội phạm này cần siết chặt các quy định, tăng cường các hoạt động thực thi, cải thiện chất lượng giám sát, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức tài chính hợp tác. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ làm tăng chi phí, thực thi pháp luật và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân.

Một cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy, mặc dù khuôn khổ pháp luật về phòng, chống rửa tiền của nước Anh được coi là rất ngiêm ngặt, nhưng đa số những người được hỏi lại cho rằng, khuôn khổ này không hiệu quả hơn của các nước khác trong việc nhận biết và phòng ngừa rửa tiền.

Vì thế, bên cạnh cách tiếp cận truyền thống dựa trên các quy định pháp luật ngặt nghèo, trao nhiều quyền cho các cơ quan có thẩm quyền thì gần đây diễn ra xu hướng chuyển sang cách tiếp cận ngăn chặn rủi ro ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia.

Theo đó, các nguồn lực được phân bổ theo độ rủi ro – lĩnh vực, hoạt động nào có nguy cơ, rủi ro diễn ra rửa tiền cao hơn thì phân bổ nguồn lực lớn hơn để theo dõi, giám sát. Theo cách tiếp cận này, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước hữu quan và các định chế tài chính có ý nghĩa lớn.

Các cơ quan nhà nước định ra những tiêu chí cho các định chế tài chính rà soát, giám sát khách hàng, đồng thời quy định các nghĩa vụ bắt buộc như:

Nhận diện khách hàng, báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, thiết lập mạng lưới giữa các định chế tài chính, mở rộng phạm vi các tổ chức, cá nhân phải thực hiện các nghĩa vụ đó. Trong đó, bao gồm cả tư vấn thuế, kế toán viên, nhân viên bất động sản, môi giới nghệ thuật, luật sư, casino…

Theo đánh giá của các chuyên gia, chiến lược này dẫn đến những kết quả tốt hơn đối với hệ thống pháp luật quốc gia về chống rửa tiền. Chính vì chuyển sang cách tiếp cận ngăn ngừa rủi ro, năm 2007 ở Italy đã ban hành đạo luật mới có hiệu lực từ năm 2008.

Trong đó, có quy định bắt buộc các định chế tài chính phải báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về những hiện tượng, giao dịch đáng ngờ. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền giám sát về rửa tiền của Italy được chuyển thành cơ quan độc lập trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng trung ương Italy.

Luật về chống rửa tiền năm 2007 của Anh cũng quy định các tổ chức kinh doanh thiết lập và tuân thủ những quy trình, thủ tục bắt buộc rất cụ thể nhằm ngăn ngừa các hành vi rửa tiền như:

- Xác định, giám sát các giao dịch phức tạp, quy mô lớn một cách bất thường, các giao dịch mà không có mục đích kinh tế rõ ràng;

- Xác định khách hàng là người đã hoặc đang giữ chức vụ công quyền ở nước khác hoặc tổ chức quốc tế; thiết lập cơ chế nhận biết khách hàng; chế độ báo cáo nội bộ;

- Lưu giữ thông tin giao dịch trong 5 năm để phục vụ công tác theo dõi, giám sát, điều tra; giáo dục, tập huấn cho nhân viên về chống rửa tiền; nghĩa vụ báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền…

Tuy nhiên, cách tiếp cận ngăn ngừa rủi ro không thể hoàn toàn thay thế cách tiếp cận ban hành và thực thi pháp luật nghiêm ngặt, nên giới chuyên gia cho rằng, cần thiết phải kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý giữa hai cách tiếp cận này.

Hiện thực hóa điều này, thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đã có những hành động hợp tác song phương và đa phương trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền.

Một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên được thành lập nhằm hạn chế, ngăn ngừa loại tội phạm này là Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền, hay còn gọi là FATF vào năm 1989. Tổ chức này do các ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà lãnh đạo của nhóm G7 thành lập.

Tổ chức hoạch định chính sách liên chính phủ này có trách nhiệm kiểm soát những mánh khoé và xu hướng rửa tiền, giám sát hoạt động quốc nội và quốc tế, xác định các nguyên nhân phát sinh và đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tệ nạn này.

Việc các quốc gia tham gia vào tổ chức này là mang tính tự nguyện nhưng bốn mươi khuyến nghị của FATF được tiếp nhận trong pháp luật nhiều nước.

Thậm chí, nhiều trong số khuyến nghị trên đã được quy định bắt buộc trong một số điều ước quốc tế. FATF đang mở rộng các chi nhánh khu vực nhằm thu hút nhiều hơn các quốc gia tiếp nhận các khuyến nghị của mình.

Hiện nay, với nỗ lực tạo sức mạnh đồng bộ của cả cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc đã có Chương trình chống rửa tiền toàn cầu đặt trụ sở tại Bỉ.

Tuy nhiên, số quốc gia là thành viên của Chương trình này không nhiều. Đặc biệt, như đã đề cập, bọn tội phạm thường hay rửa tiền qua các công ty xuyên quốc gia, các định chế tài chính cũng đều liên quan đến thẩm quyền tài phán đa quốc gia.

Chính vì thế, sự hợp tác quốc tế và giữa các quốc gia ở nhiều cấp độ khác nhau trong phòng, chống rửa tiền càng có tầm quan trọng đặc biệt.

Các hình thức hợp tác có thể là hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực; điều tra chung; trao đổi thông tin, chứng cứ; cùng xây dựng và cam kết thực thi các chuẩn mực chung về phòng, chống rửa tiền...

Cùng với xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có nhiều biến đổi tích cực, bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực, mà trong đó có nạn rửa tiền.

Do vậy, nếu không có những thiết chế kiểm soát hữu hiệu, rửa tiền sẽ trở nên dễ dàng, phổ biến trong đời sống kinh tế - xã hội, gián tiếp khuyến khích những hoạt động phi pháp khác.

Việc kiểm soát có hiệu quả các hành vi rửa tiền góp phần quan trọng đối với công cuộc phòng, chống tệ nạn tham nhũng, thất thoát hiện nay.