Đến 2020, giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt xuống dưới 10%

PV.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Cùng với giảm tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán, Đề án còn thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT), thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể gồm:

100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng;

70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;

50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Đồng thời, tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán điện tử. Cụ thể như:

Quy định tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán

Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt tại các văn bản luật hiện hành (như luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luật các tổ chức tín dụng (TCTD), luật phòng chống rửa tiền); hoặc nghiên cứu, xây dựng một luật riêng về các hệ thống thanh toán; qua đó đảm bảo tính bao quát, thống nhất và quản lý toàn diện các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế phù hợp với thực tế Việt Nam dựa trên chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ban hành các văn bản pháp lý để quản lý, vận hành, hạn chế rủi ro, giám sát có hiệu quả đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới. Đặc biệt, nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích thanh toán điện tử trong việc: Thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ (như: điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới);

Khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử.

Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền…

Ngoài ra, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xem xét bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán; ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền…) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn

Cùng với các giải pháp trên, Đề án yêu cầu tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong TMĐT, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.

Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ; hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ TMĐT; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Trong đó, về tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động; tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến; mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao; khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc.

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các TCTD, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác, gắn với việc xây dựng chương trình; kế hoạch triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam...