Giải pháp phòng, chống rửa tiền thông qua các tổ chức tín dụng

PV.

Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tài chính được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau. Do đó, để ngăn chặn tiền “bẩn” có xu hướng thâm nhập vào nước ta, cần triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền thông qua các tổ chức tín dụng.

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giao dịch chủ yếu qua ngân hàng

Có thể khẳng định, tiền không thể được rửa, khủng bố không thể được tài trợ nếu không có sự dính líu của các tổ chức tài chính, một số doanh nghiệp hoặc cá nhân. Khi bọn tội phạm kiểm soát được các tổ chức tài chính hay nắm được các vị trí quản lý cấp cao trong các tổ chức tài chính, các nước sẽ cảm thấy để ngăn chặn và khám phá việc rửa tiền khó khăn vô cùng.

Tiền “bẩn” có xu hướng được đưa vào các quốc gia nơi hệ thống pháp luật dành ít sự quan tâm hơn cho việc kiểm soát nó. Sự xuất hiện của nhiều hơn một nền tài phán khiến cho việc phát hiện nguồn gốc phi pháp của tiền cũng như vấn đề xử lý là tương đối khó khăn và phức tạp.

Từ những phân tích trên cho thấy, pháp luật Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống rửa tiền, không chỉ để phù hợp với vai trò là thành viên của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) mà còn để ngăn ngừa và phòng chống tội phạm rửa tiền có hiệu quả.

Phân tích cũng cho thấy tổ chức tài chính là một trong những mục tiêu hàng đầu của tội phạm rửa tiền. Trong nền kinh tế hiện đại, hệ thống pháp luật của các quốc gia có xu hướng đòi hỏi kiểm soát dòng lưu chuyển tiền tệ thông qua hệ thống các tổ chức tài chính, hầu hết các giao dịch lớn đều được yêu cầu phải thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua chúng.

Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tài chính được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau. Trong đó, các giao dịch được tập trung thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, mà chủ yếu là các ngân hàng.a Do đó, phòng chống rửa tiền trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng vì thế được đặc biệt quan tâm trong những năm qua và trong thời gian sắp tới.

Một số giải pháp, kiến nghị

Hiện nay, nước ta đã tránh được nguy cơ bị FATF đưa vào Danh sách “đen” những quốc gia có rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc tế. 

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của của cơ quan này, Việt Nam vẫn thuộc danh sách các quốc gia có thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống khủng bố. 

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để tránh nguy cơ có thể gây tổn hại đến uy tín và hoạt động ngoại thương. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất,  cần đảm bảo triển khai xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo đúng tiến độ mà Chính phủ đã giao theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg.

Thứ hai, bổ sung hướng dẫn để nhận diện giao dịch đáng ngờ kể cả đối với các giao dịch có ý định thực hiện hoặc chưa được hoàn tất nhưng đáng ngờ về bản chất.

Thứ ba, duy trì và tăng cường biện pháp nhằm đưa chính sách về một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt vào thực tiễn.

Thứ tư, tăng cường năng lực của Cục Phòng, chống rửa tiền trở thành một cơ quan đầu mối thực thụ trong việc thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin của các đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó bao gồm cả các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để Cục Phòng, chống rửa tiền hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ năm, thực hiện tổng thể các biện pháp đưa các nội dung của Basel II vào thực tiễn tại các ngân hàng thí điểm, từ đó mở rộng ra toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, nghiên cứu tính khả thi và xây dựng kế hoạch đưa Basel III và Basel IV vào triển khai trên thực tế tại Việt Nam, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.