Góp phần giảm chi phí giám sát tội phạm tài chính

PV.

Đây là thông tin được ông Alain Raes, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á đưa ra tại cuộc họp báo nhân Diễn đàn doanh nghiệp SWIFT Việt Nam diễn ra vào ngày 21/7 tại Hà Nội.

Theo ông Alain Raes, SWIFT là một tổ chức toàn cầu chuyên cung cấp các nền tảng thông tin, sản phẩm và dịch vụ phục vụ hoạt động kết nối hơn 10.800 ngân hàng, tổ chức chứng khoán và DN trên 200 quốc gia. Phương thức SWIFT đang làm góp phần giảm chi phí giám sát tội phạm tài chính như xử phạt, sàng lọc và hiểu biết khách hàng. Hiện, SWIFT là trung tâm của ngành công nghiệp tài chính toàn cầu, hàng năm quản lý hơn 4 tỷ tin chuyển tiền giữa các tổ chức tài chính, các thị trường và các DN. SWIFT cũng mang cộng đồng tài chính đến với nhau, cùng hợp tác để hình thành các luật chơi mới của thị trường, xác định các tiêu chuẩn và trao đổi về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của ngành tài chính ngân hàng.

Trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 14 trong khu vực các nước Châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 57 trong số 210 nước sử dụng SWIFT, có mức tăng trưởng 14% trong năm 2014 với tổng lưu lượng điện cả gửi đi và nhận về là 10 triệu điện. Trong số này, lượng điện dành cho lĩnh vực thanh toán chiếm tới 74% và có mức tăng trưởng 13%; điện ngoại hối chiếm 9,64% đạt mức tăng trưởng 21%; điện thanh toán chứng khoán chiếm 4% đạt mức tăng trưởng 23%. Trong số các hệ thống thanh toán hiện nay tại Việt Nam, SWIFT là hệ thống duy nhất hoạt động liên tục 24/7, và được đánh giá là hệ thống thanh toán có tính bảo mật cao, an toàn, thường xuyên được nâng cấp và cập nhật. Qua đó, xóa bỏ những rào cản với người tiêu dùng về mặt thời gian.

Hiện GDP của khu vực châu Á chiếm tới trên 30 tổng GDP toàn thế giới. Trong 20 năm tới, GDP sẽ chiếm tới 40 – 45% thế giới. Điều đó cho thấy, khi GDP châu Á tăng trưởng thì tiềm năng phát triển của SWIFT sẽ cao hơn nữa. Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh, với tốc độ khoảng 6,5% vì vậy hạ tầng thanh toán mong muốn các dự án của SWIFT. Cộng đồng thành viên SWIFT Việt Nam có thể tự hào về sự phát triển của mình cho tới thời điểm hiện nay với tổng cộng 84 thành viên, trong đó có 14 thành viên là cổ đông, 40 thành viên phụ thuộc và 30 thành viên không là cổ đông.

Bối cảnh khu vực và trong nước đặt các ngân hàng thương mại Việt Nam trước những cơ hội lớn, muốn vậy các ngân hàng cần phải khắc phục những thách thức từ chính nội tại, tiếp tục tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi hoạt động. Cùng với sự hình thành cộng đồng kinh tế chung, hội nhập tài chính khu vực, việc mở rộng hoạt động thanh toán trong khu vực và thúc đẩy tăng trưởng cơ sở hạ tầng cho thị trường tài chính khu vực sẽ là xu hướng tất yếu chung.