Hướng tới một xã hội không tiền mặt

Theo Minh Anh/thesaigontimes.vn

Nhờ có sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều người trên thế giới sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến. Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo một bản báo cáo được công ty công nghệ thanh toán toàn cầu hàng đầu thế giới Visa công bố ngày 11-10, việc chuyển đổi mô hình thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp cho khách hàng, doanh nghiệp và chính phủ các nước. Chuyên gia Michael Busk-Jepsen thuộc Hiệp hội Ngân hàng Đan Mạch cho rằng: “Một xã hội không tiền mặt sẽ không còn là điều viển vông”.

Những tín hiệu tích cực

Cuộc nghiên cứu của Visa, được thực hiện tại 100 thành phố lớn ở 80 quốc gia trên thế giới, cho thấy tần suất giao dịch trực tuyến ngày càng gia tăng, với tổng lợi nhuận ròng trực tiếp là 470 tỉ đô la Mỹ một năm. Khoản lợi nhuận này tương đương với hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả các thành phố được khảo sát gộp lại.

Trong khi đó, kết quả tính toán do công ty nghiên cứu Roubini ThoughtLab thực hiện theo yêu cầu của Visa cũng cho thấy việc chuyển đổi mô hình thanh toán từ tiền mặt sang trực tuyến có thể giúp tiết kiệm 28 tỉ đô la cho người tiêu dùng, thông qua việc tiết kiệm thời gian giao dịch tại ngân hàng và giảm tình trạng phạm tội liên quan tới tiền mặt.

Các doanh nghiệp cũng được lợi đáng kể từ hình thức giao dịch mới này; nếu việc tiếp nhận tiền mặt và séc khiến các doanh nghiệp thiệt hại khoảng 7 xu trên mỗi 1 đô la họ nhận được, thì trong các giao dịch trực tuyến, khoản phí này chỉ là 5 xu cho 1 đô la.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên toàn bộ 100 thành phố được khảo sát có thể lên tới hơn 312 tỉ đô la. Hơn thế nữa, một xã hội không tiền mặt, với tỷ lệ tội phạm giảm và không có lỗ hổng pháp lý cũng sẽ tạo thuận lợi cho các chính phủ. Cụ thể, các chính phủ cũng sẽ được lợi khoảng 130 tỉ đô la một năm nếu chuyển sang hình thức thanh toán trực tuyến.

Trong một sự diễn tiến khác, công ty tư vấn Capgemini và ngân hàng BNP Paribas hôm 9-10 cũng đã công bố một cuộc nghiên cứu về thanh toán số. Theo đó, người dân trên toàn thế giới được kỳ vọng sẽ thực hiện 726 tỉ lượt giao dịch sử dụng công nghệ thanh toán số vào năm 2020.

Cuộc nghiên cứu của Capgemini cho thấy các thị trường mới nổi đang dẫn đầu xu hướng này và dự đoán những sự đổi mới về công nghệ như nhà kết nối Internet, thẻ ngân hàng không tiếp xúc và tăng cường thực tế ảo sẽ thúc đẩy các giao dịch không tiền mặt trong tương lai. “Các khoản thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng về khối lượng do sự gia tăng áp dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số trên tất cả các phân khúc thị trường”, Christophe Vergne, người phụ trách về thẻ và thực hành thanh toán tại Capgemini, nói với hãng tin CNBC.

Cũng theo các chuyên gia tài chính của hãng, mặc dù số lượng các giao dịch tiền mặt vẫn tiếp tục tăng với tốc độ nhanh, nhưng giá trị trung bình của mỗi giao dịch tính theo đô la đã giảm nhẹ, vì thanh toán kỹ thuật số đang nổi lên như là một đối thủ cạnh tranh với tiền mặt cho các giao dịch có chi phí thấp.
Dựa vào sự phân tích xu hướng thanh toán trong những năm 2014 và 2015, cuộc nghiên cứu cho biết thẻ ghi nợ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số thanh toán không dùng tiền mặt ở mức 46,7%, trong khi thẻ tín dụng lại ở mức 19,5%.

Các giao dịch phi tiền mặt trong giai đoạn 2014-2015 đã tăng 11,2%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong thập niên qua. Các loại thẻ không tiếp xúc, ví dụ như thẻ sử dụng công nghệ không dây NFC (Near-Field Communications), đang trở nên phổ biến ở các nước châu Âu. Ở Pháp, việc lưu hành các thẻ không tiếp xúc của Visa tăng gấp đôi lên 40 triệu vào năm 2015 từ 20,3 triệu của năm trước. Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất cho dịch vụ thanh toán không tiếp xúc ở châu Âu, với số lượng các loại thẻ đang lưu hành đạt 106,9 triệu vào năm 2015.

Nhưng tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chính, đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị thấp. “Mặc dù thanh toán số đang gia tăng, bản báo cáo về cái chết của tiền mặt có thể là một sự phóng đại,” Vergne nói. “Thanh toán bằng kỹ thuật số vẫn chưa đáp ứng một hoặc nhiều thuộc tính của tiền mặt như: tốc độ trao đổi, sự chấp nhận rộng rãi, ẩn danh, không lưu vết và miễn phí”, ông nói thêm.

Có cùng quan điểm với ông Christophe Vergne, bà Victoria Cleland, người phụ trách về ngân quỹ và tiền giấy của Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng tiền mặt vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nhiều người. Bà dẫn ra một cuộc nghiên cứu hồi cuối tháng 9 cho thấy nhiều người Mỹ vẫn coi tiền mặt là phương thức thanh toán ưa thích của họ.

Thanh toán di động lên ngôi

Theo báo South China Morning Post, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD) hôm 3-10 đã đưa ra bản báo cáo “Kinh tế thông tin 2017: Số hóa, thương mại và phát triển”, trong đó dự báo thanh toán di động trực tuyến sẽ vượt thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để trở thành phương thức thanh toán số phổ biến nhất trong thế giới thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2019.

Bản báo cáo của UNCTAD nhận định thị phần thanh toán toàn cầu của thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong thương mại điện tử sẽ giảm xuống 46% vào năm 2019 so với mức 51% cách đây ba năm.

Các hệ thống thanh toán bằng ví điện tử như Alipay của Công ty dịch vụ tài chính Ant Financial thuộc Tập đoàn Alibaba, WeChat Pay của Công ty TenPay thuộc Tập đoàn Tencent cũng như dịch vụ thanh toán chuyển tiền trực tuyến PayPal (Mỹ) đã thúc đẩy sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại điện tử.

UNCTAD cũng cho biết ở các nước phát triển, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ vẫn thịnh hành hơn ví điện tử trong các phương thức thanh toán số. Song ở một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, nơi thẻ tín dụng và ghi nợ chưa phổ biến, phương thức thanh toán ví điện tử đang thu hút người tiêu dùng.

Bản báo cáo lưu ý rằng tại Trung Quốc, Alipay được 68% số người mua sắm trực tuyến sử dụng và trở thành phương thức thanh toán được yêu thích nhất trong thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (Business-to-Customer – B2C). Trong quý 1-2017, Alipay chiếm 54% thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc, còn WeChat Pay chiếm 40%.

Quy mô của thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc đã lên đến 23.000 tỉ nhân dân tệ (3.500 tỉ đô la) vào cuối quý 2-2017, tăng 22,5% so với quý trước đó, theo công ty nghiên cứu thị trường Analysys International, có trụ sở ở Bắc Kinh.

Năm 2016, tổng giá trị thanh toán di động ở Trung Quốc tăng gấp đôi lên hơn 5.000 tỉ đô la, nhiều gấp gần 50 lần so với Mỹ.

Theo số liệu của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, tính đến tháng 6-2017, có 724 triệu người sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc. Hơn 35% trong số họ thường xuyên sử dụng các phương thức thanh toán di động. Công ty nghiên cứu đầu tư CLSA ở Hồng Kông dự báo quy mô thanh toán di động ở Trung Quốc sẽ tăng lên 300.000 tỉ nhân tệ (45.500 tỉ đô la) vào năm 2021.

Môi trường pháp lý cho công nghệ tài chính

Khối lượng giao dịch số tại các nền kinh tế mới nổi được dự kiến sẽ tăng trưởng gấp ba lần so với các nền kinh tế phát triển. Cụ thể, cuộc nghiên cứu của Capgemini cho thấy thanh toán kỹ thuật số ở các thị trường đang phát triển đã tăng trưởng 21,6% trong khoảng từ năm 2014 đến năm 2015, so với mức tăng trưởng 6,8% ở các thị trường phát triển.

Các khoản thanh toán không dùng tiền mặt ở các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ tăng gần 1/3 (30,9%), dẫn đầu là các nước Trung Quốc và Ấn Độ.

Các tác giả của bản nghiên cứu viết: “Sự phát triển của mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở các nước mới nổi ở châu Á là nhờ vào sự tăng trưởng ấn tượng ở tất cả các khu vực địa lý, khi việc áp dụng rộng rãi các khoản thanh toán di động và ví tiền đã tạo ra sự gia tăng số lượng của thẻ thanh toán”.

Hóa đơn số hóa, thẻ thanh toán ảo và kế toán dựa trên đám mây cũng đang được sử dụng phổ biến ở các nền kinh tế đang nổi tại châu Á. Bên cạnh đó, sự nở rộ của các công ty công nghệ tài chính (fintech) và các quy định sắp ban hành sẽ làm thay đổi bức tranh của hoạt động thanh toán.

Một dự luật do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cho phép các công ty bên thứ ba có thể truy cập dữ liệu các khách hàng của các ngân hàng khi có sự đồng ý của họ. EU muốn mở ra hệ sinh thái thanh toán cho các ngân hàng nhỏ và các tổ chức phi ngân hàng và làm cho việc cạnh tranh công bằng hơn.

Các quy tắc mới của châu Âu, có hiệu lực vào tháng 1-2018, là một phần của sáng kiến trong thế giới công nghệ tài chính được gọi là “ngân hàng mở”.

Anirban Bose, người đứng đầu thị trường vốn và ngân hàng toàn cầu tại Capgemini, cho biết: “Trong hệ sinh thái mới và năng động này, các thành viên ngành thanh toán tham gia phải đánh giá lại vai trò của họ một cách có chiến lược”.

Trong một hệ sinh thái ngân hàng mở, các ngân hàng sẽ mở các giao diện lập trình ứng dụng (API) cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba. Các API là các mã cho phép các chương trình tài chính khác nhau giao tiếp với nhau. Các API mở cho phép các nhà phát triển truy cập vào các ứng dụng phần mềm của các ngân hàng.

“Các ngân hàng phải nắm lấy cơ hội này để tăng cường sự hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và các nhà phát triển bên thứ ba. Sự đột phá và các tiến bộ công nghệ quan trọng, chẳng hạn như API mở, thanh toán tức thời, blockchain và việc tiêu chuẩn hóa quy định sẽ khuyến khích sự hợp tác”, ông Bose nói thêm.