Khung pháp luật về phòng, chống rửa tiền và những vấn đề đặt ra

PV.

Mặc dù trong những năm qua Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền, nhưng vấn nạn rửa tiền vẫn có diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Để ngăn chặn kịp thời hoạt động rửa tiền, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có thể nói, trong 10 năm qua kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh trực tiếp về hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành. Đến nay, chúng ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động này.

Những chế định pháp lý cơ bản tạo nên khung cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống rửa tiền bao gồm: (i) Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; (ii) Chế định tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên cơ sở quy định của các văn bản trên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống rửa tiền. Các văn bản hiện đang được áp dụng trực tiếp đối với các tổ chức tín dụng là hai Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền; Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 35/2013/TT-NHNN...

Quá trình hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam thường xuyên được Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) và Nhóm Châu Á/Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) rà soát, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Hàng loạt những điều chỉnh lớn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng những yêu cầu của các khuyến nghị.

Chẳng hạn như Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hai thay đổi quan trọng: Xây dựng chế định tội rửa tiền phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo) và quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân...

Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm rửa tiền, hệ thống văn bản pháp luật ở nước ta vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, mặc dù chúng ta đã đưa ra các giải pháp hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế chưa phát huy được tính hiệu quả. Do đó làm giảm khả năng kiểm soát các hành vi rửa tiền thông qua công cụ các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, không có quy định cụ thể nào yêu cầu báo cáo giao dịch đáng ngờ trong những trường hợp có các giao dịch có ý định thực hiện hoặc chưa được hoàn tất nhưng đáng ngờ về bản chất.

Thứ ba, một số tổ chức tín dụng hiện chưa thực hiện phân loại chi tiết hơn về nhóm khách hàng có mức độ rủi ro khác nhau. Chẳng hạn như chưa có quy định cụ thể về việc tiếp nhận và cập nhật thông tin khách hàng có các giao dịch từ các quốc gia chịu sự cảnh báo từ FATF.

Thứ tư, chưa thiết lập được cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan chủ quản của các đối tượng báo cáo khác được xác định theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Bao gồm các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương.

Thứ năm, cần thúc đẩy một cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin đủ mạnh giữa Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế. Qua đó, không chỉ thúc đẩy cơ chế phòng, chống rửa tiền hiệu quả mà còn bảo vệ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

Thứ sáu, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc hoàn thiện cơ chế giám sát trong lĩnh vực ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế với quá trình triển khai Basel II. Trong khi đó, lĩnh vực này đã có bước phát triển nhanh chóng ở phạm vi quốc tế khi đã có thêm hai hiệp ước mới là Basel III và Basel IV được ban hành.

Thứ bảy, trong nỗ lực hướng tới đáp ứng những yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020. Quyết định đã xác định rõ nhiệm vụ cho các cơ quan trong Chính phủ có liên quan cũng như yêu cầu về thời hạn cho từng nhiệm vụ. Trong đó, một số nhiệm vụ có liên quan tới Ngân hàng Nhà nước phải kể đến là:

- Nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền đối với các quy định về nhận dạng, cập nhật thông tin khách hàng; đánh giá rủi ro khách hàng; tiết lộ bí mật thông tin; thỏa thuận pháp lý; người có ảnh hưởng chính trị (bao gồm cả cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước)... phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

- Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền.

- Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố khi áp dụng sản phẩm công nghệ mới hoặc sản phẩm cũ nhưng áp dụng công nghệ mới.

- Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật, thông tin khách hàng tăng cường đối với các khách hàng có giao dịch từ các quốc gia chịu sự cảnh báo của FATF.