Khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền

PV.

Để công tác phòng, chống rửa tiền đạt được kết quả cao, Việt Nam quyết tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trên thế giới, số tiền tội phạm “rửa” hàng năm khoảng 1.000 đến 1.500 tỉ USD. Rửa tiền không chỉ ảnh hưởng rất xấu đến sự lành mạnh về lưu thông tiền tệ của một quốc gia, làm giảm giá trị của nội tệ, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ nước nào nếu bị vấn nạn này hoành hành mà còn gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu.

Việc tìm ra giải pháp để hạn chế tiêu cực của nạn rửa tiền là việc làm cấp bách của chính phủ các nước. Để công tác phòng, chống rửa tiền đạt được kết quả cao, Việt Nam quyết tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vấn đề này.

Năm 1997, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng. Luật này đã có quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, tuy nhiên luật này vẫn chưa sử dụng đến thuật ngữ "rửa tiền".

Tháng 12/1999, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều 250 quy định hành vi rửa tiền trong các tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Dù vậy, luật vẫn chưa mô tả hết hết hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là hành vi rửa tiền.

Trong điều kiện chưa ban hành được Luật Phòng, chống rửa tiền, ngày 7/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định Phòng, chống rửa tiền số 74 (74/2005/NĐ-CP) về phòng, chống rửa tiền.

Tháng 6/2009, Quốc hội thông qua Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi,bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Luật đã sửa tội danh tại Điều 251 từ "tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có" thành "tội rửa tiền", đồng thời cũng đã quy định rõ những hành vi nào bị coi là tộirửa tiền phù hợp với Công ước quốc tế.

Đây là lần đầu tiên thuật ngữ "rửatiền" được quy định trong văn bản pháp luật hình sự, là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng đấu tranh đối với loại tội này.

Tháng 6/2010, Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 với các quy định liên quan đến việc phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và để đảm bảo tuân thủ cáccam kết quốc tế, ngày 18/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống rửa tiền. Luật phòng, chống rửa tiền ra đời không chỉ tạo ra hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền mà còn quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Tiếp đó, tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo Quyết định số 1560/QĐ-TTG.

Ngày 4/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Nghị định đã quy định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền đã được ban hành tương đối đẩy đủ, đồng bộ, góp phần quan trọng cho các đối tượng báo cáo thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền