Khuyến nghị sớm luật hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp

PV.

Việc đầu tư vào bất động sản, buôn bán trang sức hay hàng xa xỉ phẩm, hay thậm chí các tổ chức thiện nguyện nhiều khi cũng là một công cụ để rửa tiền. Vì vậy, cần có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ. Tất cả những giao dịch tiền mặt đáng ngờ cần được báo cáo và kiểm soát.

Năm 2018 sẽ thực hiện báo cáo về ngăn chặn, đấu tranh phòng chống rửa tiền

Nghi ngại trước tình hình rửa tiền ngày càng gia tăng, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Susan Sutton cho rằng, tham nhũng, rửa tiền là vấn nạn quốc tế, hạn chế sự phát triển kinh tế, đặt ra nhiều khó khăn cho môi trường kinh doanh, ảnh hưởng tới những người yếu thế trong xã hội… Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hàng năm thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị thất thoát thông qua các hoạt động hối lộ.

Giới quan sát chuyên môn đánh giá, nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa nguyên tắc minh bạch để cải thiện môi trường kinh doanh, đã góp phần nâng cao tính minh bạch, quản lý ngân sách một cách hiệu quả hơn nhằm đấu tranh phòng chống tham nhũng, cũng như giảm thiểu những thủ tục hành chính quan liêu và giới hạn những cơ hội có thể phát sinh tham nhũng.

Theo xếp hạng “Chỉ số cảm nhận tham nhũng” được Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố năm 2016, Việt Nam xếp hạng 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số tham nhũng. Dù thứ hạng này đã được tăng 7 bậc so với con số công bố năm 2015 (119), nhưng Việt Nam vẫn còn phải cải thiện nhiều hơn nữa để thay đổi thứ hạng của mình.

Cựu công tố viên và chuyên viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Nancy Langston thông tin: Tham nhũng và rửa tiền là 2 vấn nạn mà Việt Nam vẫn đang phải đối đầu như các nước khác trên thế giới. Năm 2018, Cơ quan Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) sẽ thực hiện báo cáo đánh giá quốc gia về việc ngăn chặn, đấu tranh phòng chống rửa tiền tại Việt Nam.

Theo đó, FATF sẽ xem xét và làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét hệ thống ngân hàng ở Việt Nam làm việc như thế nào? Báo cáo về những giao dịch đáng ngờ như thế nào? Và làm việc với cơ quan công an về việc điều tra những vụ việc liên quan đến tài chính, với cơ quan kiểm sát về việc khởi tố những vụ án liên quan đến rửa tiền, các vụ việc về tham nhũng…

Kiểm soát chặt chặt những giao dịch tiền mặt đáng ngờ, hạn chế tham nhũng và rửa tiền

Tham nhũng được thực hiện dưới rất nhiều hình thức như nhận tiền hối lộ, nhận quà tặng, chuyến du lịch, kỳ nghỉ dưỡng… Còn việc rửa tiền thì được thực hiện ngày càng tinh vi nhằm biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch” trong hệ thống tài chính.

Việc đầu tư vào bất động sản, buôn bán trang sức hay hàng xa xỉ phẩm hay thậm chí các tổ chức thiện nguyện nhiều khi cũng là một công cụ để rửa tiền. Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ. Tất cả những giao dịch tiền mặt đáng ngờ đó cần được báo cáo và kiểm soát ra làm sao là câu chuyện mà Việt Nam cần phải giải quyết.

Theo bà Lancy Langston, nếu quốc gia nào được đánh giá không đáp ứng được các cam kết về phòng chống rửa tiền thì sẽ bị liệt vào “danh sách đen” của FATF. Sau đó FATF sẽ gửi thông báo khuyến cáo cho các thể chế tài chính, các ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới để các tổ chức này chặt chẽ hơn hoặc có thể từ chối các giao dịch về tài chính liên quan tới quốc gia đó. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế và các tổ chức tài chính quốc tế có thể không hợp tác với quốc gia đó nữa, ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế đất nước.

Vì vậy, để nâng cao hình ảnh của mình, Việt Nam cần hành động để thể hiện rõ Việt Nam đã thực hiện những biện pháp phù hợp để ngăn chặn việc chuyển những “tiền bẩn” vào hệ thống tài chính chính thống một cách hiệu quả.

Theo bà Lancy Langston, để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, Việt Nam nên xem xét sớm luật hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Được biết, năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng từ năm 2009. Trong công ước có luật chống làm giàu bất hợp pháp.