Luật Phòng, chống rửa tiền: “Chốt chặn” các hành vi rửa tiền

PV.

Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống được hơn 3 năm, Luật Phòng, chống rửa tiền đã trở thành “chốt chặn” quan trọng các hành vi rửa tiền. Theo đó, đã có hàng trăm vụ việc được chuyển đến cơ quan chức năng điều tra, hàng nghìn báo cáo giao dịch có giá trị lớn nghi ngờ có hành vi rửa tiền…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Sau 3 năm triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền cho thấy, Luật đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền. Với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các khái niệm, biện pháp quy định trong Luật đã được mở rộng hơn, đặc biệt từ quy định về phòng, chống tài trợ khủng bố đã đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về rửa tiền, tài trợ khủng bố nói riêng trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật phòng, chống khủng bố.

Có thể nói, với sự ra đời của LuậtPhòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn, Việt Nam đã nghiên cứu, vận dụng phù hợp với thực tiễncác điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đồng thời, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này.

Chính vì vậy, Việt Nam được các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền có uy tín như Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) ghi nhận là có khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, Luật đã xác định rõ trách nhiệm của các định chế tài chính, phi tài chính, các cơ quan nhà nước có liên quan trong công tác phòng, chống rửa tiền. Điều này giúp công tác phòng, chống rửa tiền triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Sau 3 năm thi hành Luật, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ Ngân hàng Nhà nước nhận được từ các đối tượng báo cáo thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề tăng khoảng 3 lần so với giai đoạn trước khi chưa có Luật (giai đoạn từ năm 2005-2012).Cụ thể, tính từ năm 2013 đến năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận trên 3 nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ và gần 94 nghìn báo cáo giao dịch có giá trị lớn.

Các báo cáo nói trên đã được tiến hành phân tích, xử lý và khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch có liên quan đến rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Tính đến nay đã có trên 250 vụ việc liên quan đến hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ được chuyển giao cho cơ quan công an và cơ quan có chức năng thanh tra.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cung cấp thông tin liên quan đến hàng trăm vụ việc theo đề nghị từ phía các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Tài chính... để giúp các cơ quan này thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án. Hiện nay, cơ quan công an đã khởi tố một số vụ án hình sự và kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố một số vụ việc.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến hàng trăm vụ việc theo đề nghị từ phía các cơ quan chức năng để giúp các cơ quan này thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án. Điều này đã giúp xử lý kịp thời các vụ rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác có liên quan đến rửa tiền.

Bên cạnh đó, với việc quy định rõ về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền trong Luật phòng, chống rửa tiền (từ Điều 46 đến Điều 48) và Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đã tiếp tục cụ thể hóa nội dung này tại các Điều 27, 28, 29.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền. Thông tư này quy định về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; nội dung, hình thức các báo cáo: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; mức giá trị của kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan.

Tiếp đó, ngày 11/11/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 31/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2013/TT-NHNN, trong đó quy định mức giá trị phải báo cáo đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước và quốc tế…

Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền.

Có thể thấy, trong cuộc chiến chống tội phạm rửa tiền, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị tình báo tài chính các nước, các tổ chức và cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở quy định của Luật phòng, chống rửa tiền về hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã ký nhiều Bản ghi nhớ (MOU) về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố với đơn vị tình báo tài chính hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố nước ngoài.