Ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố

Trịnh Thanh Huyền, Nguyễn Thị Mai - Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính

(Tài chính)Các khoản tiền dành cho hoạt động tấn công khủng bố thường là những khoản tiền với số lượng chia nhỏ và đường đi của các giao dịch không quá phức tạp, do vậy, nếu không kịp thời phát hiện có thể gây rủi ro cho ngân hàng và nguy hại cho cả một quốc gia.

Liên Hợp Quốc và các tổ chức chống khủng bố trên thế giới luôn gặp nhiều khó khăn khi tìm cách định nghĩa đúng thế nào là khủng bố và tài trợ khủng bố. Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về khủng bố tùy thuộc vào điều kiện chính trị, tôn giáo và kinh tế… của mỗi quốc gia nhưng nhìn chung, “khủng bố là hành vi chủ ý, có tính toán tấn công, đe doạ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân, của một nhóm người hoặc một cá nhân cụ thể và các mục tiêu dân sự khác gây hoảng loạn trong cộng đồng dân cư nhằm đạt được mục đích chính trị (ép buộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân hành động hoặc không được thực hiện hành động nào đó vì lí do tôn giáo; tư tưởng hoặc các lý do khác…) do các cá nhân hoặc tổ chức tội phạm thực hiện”. Hoạt động này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân mà còn phương hại tới an ninh trên tầm quốc gia, khu vực và trên cả bình diện quốc tế.

Khủng bố và tài trợ khủng bố

Tài trợ khủng bố có thể được hiểu là việc cung cấp hay quyên góp có ý thức bằng nhiều cách khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, các nguồn tài chính cho mục đích sử dụng để hỗ trợ hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố. Các hoạt động khủng bố cũng có thể được tài trợ bằng những khoản thu nhập hợp pháp.

* Khủng bố và tội phạm có tổ chức

Mặc dù khủng bố và tội phạm có tổ chức có thể sử dụng chung phương thức rửa tiền nhưng xét về khía cạnh cấu thành nên hành vi tội phạm của hai loại trên thì khác nhau về động cơ sau cùng. Tội phạm buôn lậu ma túy và các tổ chức tội phạm có tổ chức khác chủ yếu hoạt động vì mục đích lợi nhuận trong khi các tổ chức khủng bố thường hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận, phi tài chính. Mặc dù sử dụng phương thức rửa tiền như nhau nhưng các khoản tiền từ hoạt động khủng bố có thể không có bằng chứng để cấu thành tiền bất hợp pháp (ví dụ, các khoản tiền từ hoạt động từ thiện hoặc đóng góp). Do vậy nếu không có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ có sự liên quan giữa khoản tiền và hành vi phạm tội thì rất khó để hỗ trợ trong công tác điều tra hoặc vạch ra khoản tiền đó đã vi phạm luật phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

* Nguồn rửa tiền của khủng bố

Các tổ chức khủng bố dùng các nguồn tiền sau để hỗ trợ cho hoạt động khủng bố:

- Buôn lậu ma túy và các chất hướng thần

- Bắt cóc tống tiền,

- Trộm cướp, cướp có vũ trang

- Lừa đảo

- Đánh bạc, tổ chức đánh bạc

- Buôn lậu hàng giả, hàng cấm

- Tài trợ trực tiếp từ các chính phủ có liên quan đến hoạt động khủng bố

- Kêu gọi đóng góp, từ thiện

- Doanh thu từ xuất bản các ấn phẩm

- Nguồn tiền từ các khoản làm ăn phi pháp

Hiện nay, việc lấy được nguồn tài trợ trực tiếp từ các chính phủ liên quan rất hạn chế, do đó các tổ chức khủng bố sử dụng các loại hình phạm tội khác nhau để có được nguồn tài chính cần thiết tối thiểu cho hoạt động khủng bố. Nhưng nếu nhìn lướt nhanh vào danh sách các nguồn tài trợ hoạt động tội phạm dưới đây, có thể nhận thấy không có nhiều khác biệt giữa nguồn tiền cho hoạt động phi pháp của các tổ chức tội phạm và các tổ chức khủng bố. Các các nhân hoặc tổ chức khủng bố thường lập nguồn tài chính bằng một số hoạt động như: Thu phí thành viên, doanh thu từ bán các ấn phẩm liên quan, tổ chức các sự kiện xã hội, văn hóa và các tour du lịch, mua chuộc, thuyết phục gạ gẫm tham gia, tỏ ra xuất thân từ gia đình giàu có, từ thiện một phần thu nhập….

Nguồn tài chính của tội phạm khủng bố:

Nguồn hợp pháp

Nguồn bất hợp pháp

- Doanh nghiệp hợp pháp

- Tổ chức phi chính phủ

- Từ thiện

- Hỗ trợ từ chính phủ

- Hỗ trợ từ các chủ thể giàu có

- Đóng góp từ người tự nguyện

- Thu phí hội viên

- Doanh thu sách báo và ấn phẩm

- Buôn lậu ma túy và các chất hướng thần

- Bắt cóc tống tiền,

- Trộm cướp, cướp có vũ trang

- Lừa đảo

- Đánh bạc, tổ chức đánh bạc

- Buôn lậu hàng giả, hàng cấm

Mối quan hệ giữa rửa tiền và tài trợ khủng bố

Tội phạm khủng bố cũng sử dụng các phương tiện/hình thức rửa tiền khác nhau để luân chuyển luồng tài chính tài trợ cho hoạt động khủng bố. Các cá nhân, tổ chức tài trợ cho khủng bố cũng tìm cách sử dụng nhiều hình thức khác nhau để che giấu hành vi của chúng, tạo khoảng cách xa nhất từ chúng cho đến đích là tội phạm trực tiếp tiến hành hoạt động khủng bố. Theo đó, rửa tiền để tài trợ khủng bố có thể thông qua các phương thức sau:

- Rửa tiền thông qua buôn lậu tiền mặt qua biên giới hoặc vận chuyển tiền với số lượng lớn, thuê người vận chuyển…

- Rửa tiền thông qua gửi tiền hoặc rút tiền ở tài khoản ngân hàng

- Rửa tiền thông qua đầu tư mua các loại công cụ tiền tệ (séc du lịch, séc ngân hàng…)

- Rửa tiền thông qua thẻ ghi có, ghi nợ

- Thông qua chuyển tiền

- Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng ngầm

- Internet hoặc sử dụng các mối quan hệ cá nhân với người bản địa để chuyển tiền…

Mối quan hệ giữa rửa tiền và tài trợ khủng bố có thể được minh hoạ qua sơ đồ dưới đây:

Ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố - Ảnh 1

Mục đích cuối cùng rửa tiền của các tổ chức khủng bố là nhằm gây dựng và vận chuyển nguồn tài chính cho hoạt động khủng bố. Như vậy, rửa tiền trong tài trợ khủng bố so với rửa tiền của tổ chức tội phạm còn khác biệt ở tài sản sử dụng: tài sản của các tổ chức khủng bố có thể đến từ 2 nguồn hợp pháp và bất hợp pháp. Việc xác định tài sản của các tổ chức khủng bố đến từ nguồn nào không quan trọng bằng việc kiểm tra và xác định chắc chắn đó là nguồn tiền của tội phạm khủng bố. Các khoản tiền dành cho hoạt động tấn công khủng bố thường là những khoản tiền với số lượng chia nhỏ và đường đi của các giao dịch không quá phức tạp, dài dòng; do vậy nếu không kịp thời phát hiện có thể gây rủi ro cho ngân hàng và nguy hại cho cả một quốc gia. Các cuộc điều tra đã cho thấy hầu hết các khoản tiền cho hoạt động khủng bố tại Mỹ ngày 11/9 là những khoản tiền nhỏ hơn 10.000 đô la Mỹ và chỉ là các giao dịch chuyển tiền thông thường, người thụ hưởng là sinh viên du học tại Mỹ, giao dịch được coi là bình thường và không cần thiết phải điều tra kỹ. Thực tế này cho thấy các tổ chức Phòng chống rửa tiền quốc tế đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn các nguồn tài trợ cho khủng bố.