"Nhận diện" hành vi rửa tiền của khách hàng

Trang Trần

(Tài chính) Rửa tiền hiện là một trong những loại tội phạm nguy hiểm và khó phát hiện nhất ở nước ta. Hoạt động rửa tiền không chỉ do các tổ chức ngầm thực hiện mà còn xảy ra ở các khách hàng cá nhân với những giao dịch đáng ngờ.

Hoạt động rửa tiền không chỉ do các tổ chức ngầm thực hiện mà còn xảy ra ở các khách hàng cá nhân với những giao dịch đáng ngờ tại ngân hàng. Nguồn: internet
Hoạt động rửa tiền không chỉ do các tổ chức ngầm thực hiện mà còn xảy ra ở các khách hàng cá nhân với những giao dịch đáng ngờ tại ngân hàng. Nguồn: internet

Thực trạng đáng báo động

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là hơn 50.933 tỷ đồng (bao gồm cả các đồng tiền khác đã được quy đổi). NHNN đã cung cấp 165 báo cáo để chuyển cơ quan công an và cơ quan thanh tra chuyên ngành để xem xét, xác minh, trong đó số báo cáo gửi cho cơ quan công an là 160 báo cáo.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm rửa tiền đã xuất hiện ở Việt Nam, thậm chí đã đến mức đáng lo lắng. Tội phạm rửa tiền đã tác động đến nền kinh tế thuần khiết và nền tảng hoạt động của ngân hàng, tài chính. Điều khá ngạc nhiên là Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền ra đời được 8 năm, nhưng đến nay, mới có 1 - 2 trường hợp rửa tiền được phát hiện ở Việt Nam. Con số này xem ra không phản ánh đúng thực tế.

Khó khăn nhất ở Việt Nam là làm sao để phát hiện các trường hợp rửa tiền. Ông Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, việc phát hiện tội phạm rửa tiền là rất khó, để làm được điều này, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, công cụ như điều tra tội phạm và cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều cơ quan.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (thuộc NHNN), ở nhiều nước, người dân phải có trách nhiệm chứng minh khối tài sản là hợp pháp. Đó chính là căn cứ quan trọng chống rửa tiền. Trong khi đó, ở nước ta, người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản.

Ngoài ra, theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của nước ta khiến tình trạng rửa tiền thực chất “sôi động” hơn rất nhiều so với con số báo cáo.

Nhận diện các hành vi đáng ngờ

Theo các chuyên gia an ninh kinh tế, để phát hiện và ngăn chặn tội phạm rửa tiền, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc. Trước hết, phải nhanh chóng đưa Luật Phòng, chống rửa tiền đi vào cuộc sống, từng bước chấm dứt thói quen thanh toán dùng tiền mặt, nâng cao trình độ chuyên sâu của lực lượng cảnh sát điều tra kinh tế. Bên cạnh đó, với những khoản tiền lớn, việc đưa ra những quy định bắt buộc người dân phải khai báo, chứng minh nguồn gốc… cũng cần phải tính đến.

Mới đây, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2013 và thay thế cho Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền. Đáng chú ý là Nghị định đã nêu rõ những dấu hiệu nhằm giúp nhận diện khách hàng trong phòng, chống rửa tiền, cụ thể:

Một là, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau:­

Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác;

Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;

Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn. Giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày;

Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo;

Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;

Khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Hai là, Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với khách hàng có giao dịch tài chính với tổng giá trị từ 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng trở lên trong một ngày.

Ba là, Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới mua, bán bất động sản; đối với chủ sở hữu tài sản trong việc cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.

Bốn là, Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày.

Năm là, Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; dịch vụ quản lý tiền, chúng khoán hoặc các tài sản khác của khách hàng; dịch vụ quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; dịch vụ điều hành, quản lý hoạt động công ty của khách hàng; tham gia vào hoạt động mua, bán các tổ chức kinh doanh.

Sáu là, Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư là tổ chức, cá nhân nhận tiền hoặc tài sản từ một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân ủy thác để thực hiện giao dịch liên quan đến tiền hoặc tài sản cho tổ chức, cá nhân ủy thác. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên ủy thác.

Bảy là, Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp văn phòng đăng ký, địa chỉ hoặc địa điểm kinh doanh; cung cấp dịch vụ đại diện cho doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng sử dụng hoặc yêu cầu các dịch vụ đó.

Tám là, Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của doanh nghiệp cho bên thứ ba phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên thứ ba và người giám đốc hoặc thư ký giám đốc đó.

Chín là, Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với cổ đông và người đại diện cho cổ đông đó.

Thông tin nhận biết khách hàng

Thông tin nhận biết khách hàng là cá nhân người Việt Nam gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại.

Đối với khách hàng là cá nhân người nước ngoài, cần nhận biết qua các thông tin: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam.

Thông tin nhận biết khách hàng là tổ chức gồm: Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức.

Nghị định cũng nêu rõ, đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch, thông tin nhận dạng bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và ở Việt Nam.

Đối với khách hàng cá nhân là người có từ 2 quốc tịch trở lên, ngoài những thông tin quy định trên, đối tượng báo cáo phải thu thập bổ sung thông tin về các quốc tịch, các địa chỉ đăng ký cư trú tại các quốc gia mang quốc tịch.