Nhận diện tội phạm rửa tiền thông qua giao dịch xuyên biên giới

PV.

Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) với vai trò là cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (TTCK) của Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế phối hợp do tổ chức Asia Pacific Group (APG) tạo dựng nhằm thực hiện việc phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua các giao dịch xuyên biên giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN: Rửa tiền là một loại tội phạm rất tinh vi, chủ yếu được thực hiện qua hình thức giao dịch xuyên biên giới để dễ dàng che dấu nguồn gốc của tiền.

Hơn nữa, các phương pháp của loại tội phạm này lại thường khác nhau ở các nước do đặc điểm riêng về nền kinh tế, tính phức tạp của các thị trường tài chính, hệ thống quy định về PCRT cũng khác nhau, nỗ lực thi hành pháp luật và khả năng hợp tác quốc tế tùy thuộc vào quan điểm, chính sách của cơ quan quản lý mỗi nước.

Trong khi đó, TTCK lại là một lĩnh vực vô cùng phức tạp tại bất kỳ quốc gia nào, do đó, tội phạm rửa tiền xuyên biên giới không chỉ nhắm đến TTCK như là phương tiện để rửa tiền mà còn để tạo ra những tài sản bất chính là đối tượng của hành vi rửa tiền. Do vậy, có biện pháp dể nhận diện tội phạm rửa tiền qua các giao dịch xuyên biên giới là rất quan trọng.

Vì vậy, việc tìm kiếm dấu hiệu của hành vi rửa tiền xuyên biên giới trong lĩnh vực này chỉ có thể thực hiện được bằng việc quan sát quá trình mà tội phạm rửa tiền có thể can thiệp để tạo ra công cụ rửa tiền xuyên biên giới.

Để nhận diện tội phạm rửa tiền qua các giao dịch xuyên biên giới, cần xác định những công cụ mà hoạt đông này nhắm tới:

Một là tội phạm rửa tiền xuyên biên giới có thể sử dụng chứng khoán vô danh là loại chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của tổ chức phát hành, thay vào đó bất cứ ai nắm giữ chứng khoán vô danh cũng đều có thể trở thành chủ sở hữu hưởng lợi của nó.

Với đặc điểm này, các chứng khoán vô danh có thể là đích ngắm của hành vi rửa tiền qua TTCK vì đặc trưng về tính sở hữu vật lý của chúng cho phép che dấu danh tính người sở hữu hưởng lợi.

Hai là thành lập các công ty “ma”, hay còn gọi là các công ty bình phong, mục đích không phải để kinh doanh mà để tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục hành chính, thuế, lợi dụng các kẽ hở về pháp luật đối với việc sở hữu tài sản và đăng ký các tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền.

Dấu hiệu có thể thấy là hành vi cấu kết với nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để thực hiện “chuyển giá”, đánh chìm giá trị tài sản trong nước để trốn thuế hoặc mua thâu tóm.

Ba là rửa tiền thông qua các quỹ tín thác, các tài khoản mượn danh và tài khoản đa mục đích hoặc sử dụng các công ty vỏ bọc được thành lập một cách hợp pháp làm lá chắn cho các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chuyển giao tài sản phức tạp, thông qua đó đưa tiền có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính của một nước.

Đặc biệt, việc sử dụng các quỹ đầu tư có “hộ chiếu” của một nước được coi là “thiên đường thuế”, nơi mà những quy định về lập quỹ, về nguồn gốc của tiền đầu tư không được chặt chẽ, để đầu tư vào các TTCK mới nổi là thủ đoạn mà tội phạm rửa tiền xuyên biên giới có thể thực hiện.

Bốn là sử dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh, hoặc các giao dịch tài chính phức tạp khác. Do tính chất phức tạp trong giao dịch, các sản phẩm này thường được sử dụng để che dấu nguồn gốc của dòng tiền một cách đắc lực.

Năm là kinh doanh các cổ phiếu có tính thanh khoản thấp hoặc gần như không có giao dịch. Các bên tham gia giao dịch đồng ý mua/bán chứng khoán có tính thanh khoản thấp với một mức giá thấp giả tạo, sau đó người bán ban đầu hoặc người cùng cộng tác sẽ mua lại chứng khoán đó với mức giá cao hơn đáng kể so với mức giá ban đầu.