Những bài học phòng, chống rửa tiền hữu ích đối với Việt Nam

PV.

Rửa tiền không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ nước nào mà còn gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu. Để giúp cơ quan điều hành ngăn chặn kịp thời các hành vi của tội phạm rửa tiến, bài viết tập trung nghiên cứu kinh nghiệm ở một số quốc gia, từ đó rút ra bài học hữu ích cho Việt Nam trong phòng chống loại tội phạm này.

Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền tại Mỹ

Công dân Mỹ đều bị kiểm soát về thu nhập thông qua hoạt động kê khai nộp thuế và quản lý thuế thu nhập cá nhân; áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt và kiểm soát các giao dịch có giá trị lớn. Đa số người dân trên nước Mỹ lĩnh lương qua ngân phiếu nên nguồn thu nhập của họ đã được Sở thuế quản lý chặt chẽ từ báo cáo của họ và của ngân hàng gửi đến.

Trong trường hợp, người lao động lĩnh lương bằng tiền mặt cũng không dễ dàng trốn thuế bởi nếu người chủ có lên danh sách nhân viên làm thuê cho cơ sở của họ thì các nhân viên phải thực hiện nghĩa vụ công dân này. Hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 4 được coi là mùa khai thuế đối với năm trước của tất cả công dân Mỹ làm việc có thu nhập và các doanh nghiệp…

Nếu người nào khai thuế thu nhập cá nhân quá hạn sẽ bị phạt nặng, trừ trường hợp đối tượng có yêu cầu gia hạn khai thuế. Người trốn thuế ngoài việc bị tước đi quyền lợi về an sinh xã hội còn có thể bị phạt tù đến 5 năm, đồng thời bị phạt tiền đến 100.000USD cho một năm họ trốn thuế và theo cấp số nhân nếu trốn thuế nhiều năm.

Đối với những người có chức vụ, quyền hạn thuộc đối tượng phải kê khai và minh bạch thu nhập, tài sản thì có các cơ quan thực hiện chức năng và thẩm quyền theo dõi, kiểm soát các khoản thu nhập, chi tiêu của những người có chức vụ, quyền hạn khi xác định có tài sản tăng lên bất thường nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng; Có hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản để giám sát các khoản chi tiêu nhằm phát hiện các trường hợp chi tiêu của công chức không cân xứng so với thu nhập chính thức mà họ đã kê khai hoặc tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài; Thông tin tài sản, thu nhập của công chức được đăng tải trên báo chí hay internet và ngoài những nội dung được đăng tải thì người dân, cơ quan truyền thông hay cơ quan công quyền khác có thể yêu cầu được tiếp cận các thông tin không được công khai…

Liên quan tới đầu tư vào Mỹ, Luật Chống rửa tiền của Mỹ quy định, nguồn tiền dùng vào việc đầu tư trong một số trường hợp phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp. Đặc biệt, đối với hoạt động chuyển tiền từ bên ngoài vào Mỹ thì quy định càng nghiêm ngặt hơn.

Một trong những điều kiện tiên quyết bắt buộc nhà đầu tư phải thỏa mãn khi tham gia chương trình đầu tư định cư ở Mỹ theo diện EB-5 đó là chứng minh nguồn vốn đầu tư có nguồn gốc hợp pháp hay thường được gọi là “tiền sạch” (EB-5 là chương trình đầu tư định cư Mỹ giành cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn lấy thẻ xanh cho cả gia đình. Thông qua EB-5, vợ/ chồng cùng các con chưa kết hôn dưới 21 tuổi của nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh và hưởng đầy đủ quyền thường trú nhân của Mỹ).

Bên cạnh đó, Luật Chống rửa tiền của Mỹ còn quy định về nghĩa vụ của tất cả các đối tượng, từ các cá nhân đến các tổ chức trong việc phát hiện và báo cáo về hoạt động rửa tiền. Việc không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền của các nhân viên của các tổ chức tín dụng có thể dẫn tới bị phạt dân sự và hình sự. Về mặt dân sự, nhân viên ngân hàng có thể bị phạt tới 100.000 USD cho việc cố tình vi phạm những quy định về báo cáo và lưu giữ chứng từ của BSA. Về mặt hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 250.000 USD, 5 năm tù hoặc cả hai.

Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền tại Anh

Các định chế tài chính cũng hoạt động theo những quy định về phòng, chống rửa tiền tương tự như tại Mỹ. Tháng 12/1990, nước này ban hành một loạt văn bản hướng dẫn các ngân hàng trong việc phát hiện và chấm dứt các hoạt động rửa tiền. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ của ngân hàng trong việc cảnh báo cho các cơ quan quyền lực những hoạt động và giao dịch đáng ngờ.

Các hướng dẫn này được xây dựng bởi Ngân hàng Trung ương Anh và các ngân hàng thương mại với sự phối hợp, tham gia của cơ quan tình báo quốc gia, hải quan, cảnh sát. Theo đó, ngân hàng phải đích thân nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả bằng cách gặp mặt trực tiếp.

Hướng dẫn cũng chỉ rõ, các nhân viên của các định chế tài chính phải hợp tác một cách toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải thông báo trước cho các cơ quan này các giao dịch đáng ngờ. Trong khi, các ngân hàng là chủ thể chính, các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, tổ chức môi giới cũng phải thực hiện những hướng dẫn này.

Kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền tại một số nước châu Á

Tại Nhật Bản: Các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên. Hơn nữa, trong trường hợp liên quan đến ma tuý, toà án có thể kết án ngân hàng và các tổ chức tín dụng về tội rửa tiền.

Tại Philippinnes: Nước này đã thành lâp Hội đồng chống rửa tiền (AMLC) để vừa điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm liên quan đến rửa tiền, vừa tạo lập cơ chế chống rửa tiền tại các ngân hàng. Các cơ quan hành pháp, xây dựng pháp luật cũng như các cơ quan giám sát sẽ ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ quan AMLC độc lập xét xử để điều tra, phát hiện, ngăn chặn tội phạm rửa tiền một cách nghiêm khắc và hiệu quả.

Tòa án chuyên trách về chống rửa tiền thuộc AMLC được Tòa án tối cao Philippinnes thành lập vào năm 2004, để xét xử các vụ án rửa tiền và một số hành vi vi phạm pháp luật khác.

AMLC cũng quyết định thành lập Ủy ban liên lạc đặc khu tài chính (FSLC), trong đó có đại diện của AMLC, thành viên cơ quan giám sát, hiệp hội kinh doanh và đặt dưới sự giám sát của các nhân viên thuộc AMLC.

Dưới sự chỉ đạo của AMLC, FSLC đã đảm nhiệm chức năng thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp và đảm nhận tốt vai trò là đầu mối liên lạc, đề xuất đối thoại hay tham vấn với các cơ quan chủ quản, đặc biệt là các vấn đề liên quan của AMLC.

Ngày 30/6/2005, AMLC trở thành thành viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (EGMONT), một tổ chức quốc tế của FIU (đơn vị tình báo tài chính) thành lập vào năm 1995.

Mục tiêu chính của EGMONT là tạo diễn đàn cho FIU hỗ trợ chương trình quốc gia phòng chống rửa tiền thông qua việc mở rộng và hệ thống hóa trao đổi thông tin an ninh tài chính, phát triển đội ngũ chuyên gia và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác này.