Những quan điểm khác nhau về chủ thể tội phạm rửa tiền trên thế giới

PV.

Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn.

Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng, sự ảnh hưởng của dòng tiền bẩn trong hệ thống tài chính đã gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho hệ thống tài chính của các quốc gia; ảnh hưởng lớn đến an toàn, an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, quy định trong hệ thống pháp luật các quốc gia liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, vẫn còn tồn tại hai trường phái khác nhau.

Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn.

Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền.

Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thường xuất hiện trường hợp các đối tượng, sau khi kết thúc hành vi phạm tội nguồn, thu được những lợi ích vật chất nhất định, thì cũng đồng thời tích cực và chủ động thực hiện hành vi "làm sạch" những khoản tiền, tài sản mà chính mình chiếm đoạt được, tức là hành vi “tự rửa tiền” (self-laundering).

Vậy hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn, có được xem xét, xử lý về tội rửa tiền hay không? Các Công ước quốc tế cũng như luật hình sự của các quốc gia trên thế giới cho đến nay vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau.

Các quy định có liên quan trong công ước quốc tế

Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1998 (Công ước Viên) là công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế. Trong Công ước này không có quy định rõ ràng nào để xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền có bao gồm người phạm tội nguồn hay không.

Tuy nhiên, xem xét Điều 3 (1) (b) (i) của Công ước Viên, quy định mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai mục đích: Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; hoặc nhằm giúp đỡ người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Sự tồn tại của thuật ngữ “giúp đỡ” trong trường hợp thứ hai, rõ ràng đã loại trừ người thực hiện hành vi phạm tội nguồn ra khỏi phạm vi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong khi trường hợp thứ nhất lại không xác định mục đích che giấu tiền, tài sản là do bản thân người phạm tội chiếm đoạt được hay là giúp đỡ người khác.

Như vậy, ý đồ của người làm luật muốn hướng tới cả chủ thể của tội phạm nguồn và những đối tượng khác tuy không thực hiện tội phạm nguồn nhưng tham gia vào quá trình rửa tiền.

Tương tự, tại Điều 6 (1) (a) của Công ước Strasbourg năm 1990 của Liên minh Châu Âu [8] cũng không xác định hay loại trừ rõ ràng vấn đề tự rửa tiền của các đối tượng phạm tội có nằm trong phạm vi tội rửa tiền hay không.

Tuy nhiên, tại Quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ về chống rửa tiền, tại Điều 2 (6) lại quy định rõ ràng: “Tội phạm (rửa tiền) được quy định trong điều luật này phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử bởi tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền như một tội phạm độc lập với các tội phạm khác”.

Hay nói cách khác, quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ xác định hành vi rửa tiền và hành vi thực hiện tội phạm nguồn là hai loại hành vi độc lập, mặc dù là do cùng một cá nhân thực hiện, hai loại tội phạm này vẫn được truy tố và xét xử như hai tội danh riêng biệt.

Quy định về chủ thể tội phạm rửa tiền trong luật của một số quốc gia

Đại diện cho quan điểm không truy tố tội rửa tiền và tội phạm nguồn một cách độc lập, trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi tự rửa tiền, gồm các nước như Đức, Áo, Italia…

Trong lập pháp hình sự, các nước này chỉ thừa nhận hành vi rửa tiền do người khác phạm tội mà có, và tội rửa tiền không áp dụng với những người đã thực hiện tội phạm nguồn.

Ví dụ: Luật hình sự Đức, Điều 261 khoản 9 quy định: “Người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn, thì sẽ không đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tiền đã nêu trong các khoản từ 1 đến 5 của điều luật này”.

Điều này xuất phát từ các nguyên tắc “miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tự hỗ trợ và tự vệ của bị can xảy ra sau hành vi phạm tội” trong Luật Hình sự Đức, nguyên tắc “một người không thể bị truy tố hai lần về cùng một sự kiện (hành vi)” trong hệ thống pháp luật Italia...

Ngoài ra, quan điểm của các nhà luật học trong trường hợp này cho rằng, hành vi bị trừng phạt trong cấu thành tội phạm nguồn đã bao gồm các hành vi kèm theo như: Hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc tài sản chiếm đoạt được sau khi phạm tội.

Hình phạt áp dụng cho tội phạm nguồn cũng đã bao trùm toàn bộ hành vi trái pháp luật hình sự của người phạm tội. Hơn nữa, hành vi tự rửa tiền không xâm hại một cách độc lập hay gây thêm thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ; đồng thời những quan hệ xã hội này đã được bảo vệ hợp lý bằng cách trừng phạt hành vi phạm tội nguồn.

Ngược lại với quan điểm trên, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản… vẫn giữ quan điểm truy tố hành vi tự rửa tiền. Tức là, trong quy định của pháp luật hình sự ở các quốc gia này, tội phạm rửa tiền có thể được truy tố đồng tời với tội phạm nguồn, mặc dù chỉ do một người thực hiện.

Ví dụ: Tội rửa tiền được quy định trong Luật Phòng chống may túy và Luật trừng trị tội phạm có tổ chức Nhật Bản, cho phép trừng phạt hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn khi đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc phạm tội của tài sản mà chính mình chiếm đoạt được.

Sự không thống nhất trong lập pháp hình sự về vấn đề tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền đã thể hiện rõ sự khác biệt trong lý luận về cấu thành tội phạm và các nguyên tắc khoa học luật hình sự của mỗi quốc gia.

Xem xét sự khác nhau này, lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong các khuyến nghị của mình cho phép các quốc gia có thể quy định tội rửa tiền không áp dụng đối với những người đã thực hiện tội phạm nguồn với điều kiện đó là nguyên tắc luật pháp cơ bản của nước mình.

Tuy nhiên, nếu không có một nguyên tắc cơ bản nào trong nội luật quốc gia chống lại việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền, thì FATF sẽ xem xét việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền như một tiêu chí đánh giá sự tuân thủ các Khuyến nghị số 1, 2 trong 40+9 Khuyến nghị của FATF.