Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

PV.

(Tài chính) Cùng với với hội nhập, phát triển kinh tế giữa các nước trên thế giới tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia cũng hoạt động ngày càng mạnh mẽ dưới nhiều hình thức tinh vi. Điểm nhắm đến của tội phạm rửa tiền thường là các nước đang thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, tỷ lệ tiêu dùng tiền mặt cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng còn hạn chế… trong đó có Việt Nam.

Giao dịch tiền mặt – Cơ hội cho tội phạm rửa tiền

Giao dịch tiền mặt trong các hoạt đồng đời sống xã hội là thói quen “truyền thống” đã được hình thành từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế, công nghệ xu hướng chuyển sang giao dịch không dùng tiền mặt đã được hầu hết các quốc gia phát triển thực hiện gần như triệt để. Tuy nhiên, với Việt Nam thì điều này vẫn còn rất phổ biến. Việt Nam là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng dùng được, không cần biết nguồn gốc, miễn là có thì muốn mở công ty, mua nhà đều dễ dàng. Điều này có nghĩa, khái niệm “tiền bẩn” ở Việt Nam vẫn còn rất xa lạ.

Hình ảnh người dân vác cả bao tiền đi mua nhà, gửi ngân hàng… đã quá quen thuộc tại Việt Nam. Mặc dù, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể về việc giao dịch bằng tiền mặt và giải trình các nguồn gốc tiền khi giao dịch, nhưng dườn như các quy định vẫn chưa phải là lực cản, hạn chế các giao dịch tiền mặt. Điều này không chỉ tạo mảnh đất màu mở cho tội phạm rửa tiền, tham nhũng mà nó còn làm cho nền kinh tế thiếu minh bạch…gây lo ngại cho các nhà đầu tư.

Bà Virginia B.Foote - Hội đồng quản trị doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: tại 10 nước có tỷ lệ tiêu dùng không dùng tiền mặt hàng đầu có tới hơn 80% số giao dịch được thực hiện mà không dùng tiền mặt, trong khi đó con số này ở Việt Nam chỉ là 3%. “Việc lạm dụng tiền mặt ở Việt Nam rất nguy hiểm. Những nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt dễ dẫn đến những vấn nạn như tham nhũng nhỏ đến rửa tiền quy mô lớn đều phổ biến và khó đối phó hơn” – Bà Virginia B.Foote khuyến cáo.

Thực tế cho thấy, tội phạm rửa tiền sẽ tâp trung vào những giao dịch giá trị lớn như đất đai, xe cộ và hàng hóa giá trị khác được chi trả bằng tiền mặt. Việc giao dịch bằng tiền mặt giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhà nước có thể tạo môi trường cho những hành vi “đưa tiền lót tay”, hối lộ, cũng như những quy trình kế toán, kiểm toán đáng ngờ, không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế…

Đối với không ít nhà đầu tư ở Việt Nam để tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại mới, cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng để trả phí dịch vụ, lệ phí, đóng thuế, thanh toán tiền điện, tiền nước và các khoản mua sắm lớn… sẽ là phương thức quan trọng để giảm chi phí sản xuất, cũng như đẩy lùi nguy cơ về tham nhũng.

Quy định hiện hành, giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên được coi là giao dịch có giá trị lớn và phải được kiểm soát. Luật quy định các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản, dấu hiệu đáng ngờ trong ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm... để kiểm soát. Chẳng hạn, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng như có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không. Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo. Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh...

Đánh giá về thực trạng giao dịch tiền mặt tại Việt Nam, TS. Trần Du Lịch cho rằng: Chính vì giao dịch bằng tiền mặt, không quan tâm đến nguồn gốc tiền nên ở Việt Nam mọi người đều tự hiểu toàn tiền sạch cả. Chỉ khi nào chưa chấm dứt được việc vác cả bao tiền đi mua đất, việc người dân tích trữ hàng nghìn cây vàng trong nhà, thì còn chưa ngăn chặn được nguyên nhân gốc dẫn đến rửa tiền…

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Trước những mỗi lo ngại từ giao dịch tiền mặt là cơ hội cho tội phạm rửa tiền, tải trợ khủng bố và tham nhũng phát triển, trong những năm qua Việt Nam đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý quy định cho vấn đề này. Trong đó, khung pháp lý cao nhất là Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội ban hành vào năm 2012. Bên cạnh đó, kể từ trước khi ban hành Luật, Chính phủ, Ngân hàng Nhà cũng đã ban hành nhiều quy định liên quan nhằm hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Điển hình nhất là Nghị định số 222/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2014), “tiền mặt” là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành - tức đồng Việt Nam. Nghị định 222/2013/NĐ-CP quy định một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, có 2 loại giao dịch - là những giao dịch dễ bị tội phạm lợi dụng để “rửa tiền” - bị cấm thanh toán bằng tiền mặt, cụ thể:

Thứ nhất, giao dịch chứng khoán: Áp dụng đối với các giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, được thực hiện tại thị trường tập trung. Đối với giao dịch trên thị trường phi tập trung thông qua các giao dịch điện tử, phương thức thanh toán sẽ do người mua và người bán thoả thuận. Tuy nhiên hiện nay các giao dịch này thường được thanh toán bằng cách chuyển khoản.- Các giao dịch chứng khoán đã được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

Thứ hai, giao dịch tài chính của doanh nghiệp: Bao gồm các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.- Doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng thì không được vay và cho vay bằng tiền mặt.Hiện nay có nhiều doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng nhưng lại thực hiện hoạt động cho vay đối với các khoản tiền “nhàn rỗi” của doanh nghiệp, việc này là không đúng với quy định của pháp luật, bởi lẽ pháp luật cũng đã quy định rất rõ về việc dịch vụ tiền mặt là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng cần lưu ý vấn đề này.

Bên cạnh đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014, sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng chống rửa tiền với rất nhiều quy định mới siết chặt các hình thức giao dịch bằng tiền mặt nhằm khắc chế các hành vi rửa tiền.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, mặc dù hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động rửa tiền của Việt Nam đã được xây dựng và dần hoàn thiện nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 còn một vài điểm rất khó hoặc không thể triển khai. Đơn cử như, thu thập thông tin về cá nhân nắm giữ từ 10% vốn điều lệ trở lên trong pháp nhân và cá nhân nắm giữ từ 20% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức góp vốn trên 10% vào pháp nhân. Quy trình thực hiện ra sao hiện vẫn chưa được quy định rõ trong Thông tư 31/2014/TT-NHNN khiến các ngân hàng nước ngoài khá lúng túng và gặp khó khăn trong thực hiện…

Ngoài ra, về thu thập thông tin địa chỉ, người đại diện của công ty mẹ, công ty con, văn phòng đại diện của khách hàng nước ngoài, và thông tin về cá nhân, tổ chức thụ hưởng (chứng minh thư, hộ chiếu, mã số thuế…), đại diện nhóm công tác ngân hàng cho biết cũng sẽ rất khó để có được các thông tin trên về khách hàng nước ngoài/không cư trú.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020, trong đó hướng tới mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn, các quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng; tăng cường sự ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế. Những động thái này đang được kỳ vọng sẽ tiếp thêm lực để hoạt động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam đạt hiệu quả cao.