Phòng, chống rửa tiền từ các báo cáo giao dịch đáng ngờ


Báo cáo giao dịch đáng ngờ là trụ cột của hệ thống phòng, chống rửa tiền, là biện pháp phòng ngừa hành vi rửa tiền một cách hữu hiệu nhất.

Báo cáo giao dịch đáng ngờ là trụ cột của hệ thống phòng, chống rửa tiền. Nguồn: Internet
Báo cáo giao dịch đáng ngờ là trụ cột của hệ thống phòng, chống rửa tiền. Nguồn: Internet

Biện pháp phòng ngừa này được thực hiện bởi các tổ chức tài chính hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Khoản 1 Điều 22 Luật phòng, chống rửa tiền quy định trách nhiệm của các đối tượng báo cáo trong việc báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc có liên quan đến rửa tiền.

Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền đưa ra những dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch và quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm phải báo cáo giao dịch đáng ngờ. Dấu hiệu đáng ngờ theo Luật Phòng, chống rửa tiền được chia làm 2 loại: Dấu hiệu đáng ngờ chung và dấu hiệu đáng ngờ cho từng lĩnh vực.

Khoản 2 Điều 22 Luật phòng, chống rửa tiền đưa ra 8 dấu hiệu đáng ngờ cơ bản, chung cho mọi đối tượng báo cáo, bao gồm:

(i) Khách hàng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán;

(ii) Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(iii) Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính;

(iv) Số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không có số này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch;

(v) Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo (danh sách cảnh báo là danh sách tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập nhằm cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền);

(vi) Các giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan tới tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo;

(vii) Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này;

(viii) Giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Với quy định mang tính bắt buộc trên, các đối tượng báo cáo, bao gồm cả các tổ chức tài chính cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan đều phải thường xuyên cập nhật thông tin khách hàng, thường xuyên liên hệ với khách hàng để nắm bắt những thông tin thay đổi nhằm phân tích đúng thực trạng, xác định bản chất giao dịch của khách hàng để phát hiện dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo theo quy định.

Ngoài 8 dấu hiệu đáng ngờ cơ bản, chung cho mọi đối tượng báo cáo, Luật Luật phòng, chống rửa tiền cũng đưa ra 12 dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng; 8 dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bảo hiểm; 8 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong lĩnh vực chứng khoán; 8 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino; 4 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Luật Phòng, chống rửa tiền không quy định bất cứ dấu hiệu giao dịch đáng ngờ nào trong các lĩnh vực khác, trong hoạt động của các đối tượng khác chịu sự điều chỉnh của Luật như lĩnh vực cung ứng dịch vụ kế toán, dịch vụ pháp lý của luật sư, cung ứng các dịch vụ liên quan cho công ty. Điều này cần được hiểu là, các đối tượng báo cáo khác sẽ phải dựa vào các dấu hiệu cơ bản chung để báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Một điểm lưu ý khác là Khoản 8 Điều 22 của Luật phòng, chống rửa tiền quy định trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của đối tượng báo cáo khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ ngoài các dấu hiệu cơ bản nêu trên để làm cơ sở cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và trong các lĩnh vực liên quan.