Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại

PV.

(Tài chính) “Công tác phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng là rất quan trọng, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng nên cần được thường xuyên triển khai thực hiện. Do vậy, tất cả các ngân hàng thương mại cần thực hiện bằng cách xây dựng cho mình những giải pháp và phương án hành động hiệu quả…” - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh.

Phòng, chống rửa tiền,chống tài trợ khủng bố (AML/CTF) ra đời không chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn vì chính sự phát triền bền vững của đất nước và nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập hiện nay.Năm 2005, một Đơn vị tình báo tài chính (FIU) được thành lập trong Ngân hàng Nhà nước; Tháng 3/2007, đơn vị này chuyển thành Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền (AMLIC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, theo cơ cấu tổ chức mới, AMLIC cùng với Vụ các ngân hàng, Vụ các tổ chức tín dụng hợp tác và Thanh tra ngân hàng đã được sáp nhập thành Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.

Nhiệm vụ của Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền là: Giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng và thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch công tác phòng ngừa, đấu tranh chống rửa tiền trên lãnh thổ Việt Nam; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật; làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin phòng, chống rửa tiền; có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ về các giao dịch.

Theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn. Theo quy định hiện hành, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng.

Cho tới nay, Việt Nam đã triển khai các biện pháp về chống rửa tiền trong hệ thống các tổ chức tài chính. Mỗi tổ chức tài chính đều có một ban chỉ đạo chống rửa tiền và các quy định riêng về chống rửa tiền. Nhằm trang bị kiến thức cơ bản về AML/CFT, công tác tuyên truyền và nâng cao hiểu biết cho dân chúng về AML/CFT cũng được chú ý. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến thông qua báo chí, họp báo và trang tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, để công tác Phòng, chống rửa tiền,chống tài trợ khủng bố đạt hiệu quả cao, cùng với hành động từ phía Ngân hàng Nhà nước cần có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan hữu quan, trong đó vai trò của các ngân hàng thương mại là hết sức quan trọng. Nêu bật vai trò của của các ngân hàng thương mại trong phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, ông Nguyễn Phước Thanh chỉ đạo: Các đơn vị trong toàn Ngành cần xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị phù hợp với Phương án phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, các ngân hàng thương mại nên lấy phòng ngừa là chính, vô hiệu hóa mọi kế hoạch khủng bố, không để bị động bất ngờ; bảo đảm đến mức cao nhất an ninh, an toàn về người, tài sản và hoạt động ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra; nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động khủng bố, tài trợ cho khủng bố; kịp thời đưa ra phương án xử lý khi có các hành động khủng bố…

Đến nay, hầu hết các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tín dụng đã xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị. Ngành Ngân hàng đã tiến hành điều tra, xác minh một số đối tượng có giao dịch qua hệ thống ngân hàng nghi tài trợ cho khủng bố; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố…