Thị trường chứng khoán:

Rất dễ lọt vào tầm ngắm của tội phạm rửa tiền

PV.

(Tài chính) Với gần 15 năm hoạt động và một số bất cập của một thị trường còn non trẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng để tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền. Bởi vì, một trong những kênh rửa tiền được tội phạm sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới là thông qua thị trường chứng khoán.

Nhiều khoảng cách của thị trường mới nổi

Sau gần 15 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đã từng được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt là về mức độ, tỷ lệ và tốc độ tăng của vốn hóa thị trường. Trong suốt thời kỳ từ năm 2000 - 2005, vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1% GDP. Quy mô thị trường đã có bước nhảy vọt lên 22,7% GDP năm 2006 và tiếp tục tăng lên mức trên 43% vào năm 2007. Tính đến cuối năm 2014, giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Đây được xem là thành công đáng khích lệ của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, những thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng tốt, tiềm năng lợi nhuận cao trong khi hoạt động quản lý còn nhiều “khoảng cách” so với các thị trường đã có bề dày phát triển dường như có khả năng tạo ra “miền đất hứa” cho các tội phạm rửa tiền hoạt động.

Lường trước những rủi ro tiềm ẩn, hệ thống Giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) đã được Ủy ban Chứng khoán đưa vào hoạt động từ năm 2013, đến nay, bước đầu các hành vi, hoạt động cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán đã được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều đáng bàn về công tác này như:

Thứ nhất, các văn bản pháp quy hiện nay chưa thực sự bao quát hết và theo kịp diễn biến phức tạp trong hoạt động TTCK. Thực tế cho thấy, hoạt động của TTCK có diễn biến rất nhanh và phức tạp, các hành vi giao dịch, đặc biệt là các hành vi giao dịch vì mục đích rửa tiền thường rất tinh vi.

Thứ hai, đội ngũ công tác làm giám sát còn mỏng, kinh nghiệm trong xử lý công việc chưa nhiều, trong khi yêu cầu của công tác giám sát giao dịch để phát hiện được dấu hiệu của hành vi rửa tiền, đòi hỏi cán bộ giám sát phải có kỹ năng chuyên môn về lĩnh vực này.

Thứ ba, mặc dù các phần mềm giám sát hiện đại đã được đưa vào sử dụng như MSS nhưng do diễn biến thị trường ngày càng nhanh và phức tạp, để MSS hoạt động hiệu quả cần phải được đánh giá, điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp.

Thứ tư, các hành vi rửa tiền thường được kết hợp với những hình thức tội phạm khác trên TTCK hiện mới chỉ bị xử phạt hành chính ở mức độ nhất định, chưa đủ sức răn đe.

Với những bất cập nêu trên, việc giám sát và ngăn ngừa các hành vi rửa tiền trên TTCK hiện nay là một thách thức đối với cơ quan quản lý. Bởi vì, tội phạm rửa tiền luôn cố gắng thực hiện các giao dịch phức tạp, tinh vi nhằm che dấu nguồn tiền bất hợp pháp. Trong khi đó, vấn đề mở và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng hiện nay lại chưa được quản lý chặt chẽ. Các tài khoản được mở ra với ít thông tin từ phía khách hàng, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng rửa tiền chuyển tiền qua các tài khoản giao dịch chứng khoán. Điểm nữa có thể hấp dẫn các đối tượng rửa tiền là một nhà đầu tư hiện nay có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau, việc ủy quyền tài khoản mặc dù đã chặt chẽ hơn vẫn có những lỗ hổng có thể khai thác được… Vì vậy, cần có những biện pháp cải thiện chính sách mạnh mẽ hơn từ các cơ quan, ban ngành chức năng, nếu không muốn biến TTCK thành mục tiêu rửa tiền của các tổ chức tội phạm.

Hóa giải những vấn đề còn tồn tại

Hoạt động phòng, chống rửa tiền (PCRT) ở Việt Nam vẫn còn tương đối mới và chỉ mới được luật hóa trong thời gian gần đây. Theo Luật PCRT số 07/2012/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát hoạt động PCRT đối với TTCK. Sau khi Luật PCRT có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật PCRT. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 35/2013/TT-NHNN với các hướng dẫn và quy trình để các ngân hàng thực hiện các hoạt động xác minh, nhận biết khách hàng cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho việc thanh tra, giám sát ngân hàng và PCRT qua ngân hàng… Tuy nhiên, đánh giá của giới chuyên gia cho thấy, việc triển khai theo các quy định của Luật PCRT vẫn còn tương đối hạn chế. Do đó, thời gian tới cần phải có những biện pháp giải cụ thể như:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành tốt việc tái cấu trúc TTCK nói chung và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán nói riêng. Trong đó, chú trọng việc phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo các tiêu chí đánh giá phân loại như tỷ lệ vốn khả dụng, hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty quản lý quỹ (CAMEL); giải quyết vấn đề nguồn lực bằng cách giảm số lượng các công ty chứng khoán cho phù hợp với quy mô thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực kiểm soát, quản trị, điều hành của các công ty chứng khoán, năng lực cũng như đạo đức của đội ngũ nhân viên công ty chứng khoán, tăng cường minh bạch thông tin.

Hai là, thực hiện kế hoạch PCRT, thiết lập và tuân thủ chặt chẽ các quy trình, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động PCRT trong lĩnh vực chứng khoán, từ các cơ quan quản lý trực tiếp như Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, các đơn vị liên quan như Trung tâm lưu ký chứng khoán với chức năng quản lý tài khoản nhà đầu tư và thực hiện thanh toán bù trừ cho giao dịch chứng khoán cùng với Sở Giao dịch chứng khoán - đơn vị trực tiếp vận hành thị trường giao dịch đóng vai trò quan trọng trong phát hiện các giao dịch bất thường.

Ba là, phối hợp và tuân thủ các quy định quốc tế như 40 đề xuất của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). FATF khuyến nghị một số giải pháp đối với Việt Nam trong giai đoạn sắp tới như: Việt Nam cần tiếp tục làm việc với FATF và tổ chức châu Á – Thái Bình Dương (APG) để thực thi kế hoạch hành động nhằm giải quyết những vấn đề còn thiếu hụt, bao gồm: (1) thiết lập và thi hành các quy trình hoàn thiện để xác định và phong tỏa tài sản khủng bố; (2) buộc các đối tượng phạm tội phải chịu trách nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế; và (3) tăng cường hợp tác quốc tế. FATF yêu cầu Việt Nam giải quyết ngay các vấn đề thiếu hụt còn lại và thực thi kế hoạch hành động của mình”.

Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế, hằng năm số tiền được bọn tội phạm tẩy rửa khoảng 500 - 1.000 tỉ USD - bằng 2-5% GDP của thế giới, trong đó khoảng 60-70% là tiền mặt. (Nguồn: IMF).