Thanh toán bằng tiền mặt: Cơ hội để hành vi rửa tiền, tham nhũng phát triển

PV.

“Chính sách sử dụng tiền mặt trong giao dịch dân sự tạo điều kiện cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng một cách dễ dàng, rửa tiền một cách hợp pháp”, PGS.TS Trần Văn Độ vừa đề cập tại Hội thảo: “Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng”, ngày 21/9/2017, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được rất thấp do điều kiện trong nước và tính phức tạp của vấn đề này từ cả góc độ pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế. Do vậy, mục đích của Hội thảo để các đại biểu, các chuyên gia trao đổi, thảo luận về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng và công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố ở Việt Nam.

Chia sẻ về công tác phòng chống rửa tiền trong thời gian qua, ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, rửa tiền là công cụ để kẻ tham nhũng ngụy tạo vỏ bọc hợp pháp cho các khoản tiền từ tham nhũng, do đó tham nhũng phát triển thì tiền bẩn có được từ tham nhũng gia tăng.

Theo ông Ngọc, hiện nay dù chưa có bất cứ một cuộc một cuộc điều tra, khảo sát chính thức nào về mức độ hay quy mô rửa tiền ở Việt Nam, nhưng xét theo các tiêu chí để xác định một quốc gia có nguy cơ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền thì Việt Nam là một quốc gia có nguy cơ khá cao, do một số nguyên nhân chính như: Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển với thói quen sử dụng tiền mặt; Cơ chế phòng, chống rửa tiền còn thiếu hụt cả về khuôn khổ pháp lý, thể chế và tổ chức; Các biện pháp xử phạt chưa tương thích, chưa có tính răn đe, đặc biệt đối với các biện pháp phạt tiền và thu hồi tài sản phạm tội…

Do vậy, ông Ngọc cho rằng, trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi pháp luật về phòng chống rửa tiền, nhất là nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, giám sát đặc biệt một số giao dịch; kiện toàn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát thu nhập cá nhân…

“chính sách sử dụng tiền mặt trong giao dịch dân sự tạo điều kiện cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng một cách dễ dàng, rửa tiền một cách hợp pháp”, nhấn mạnh điều này, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đưa ra một số đề xuất như: Bổ sung quy định về biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng; Bổ sung các quy định xử lý tài sản không minh bạch trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức. Trước mắt, các giao dịch lớn như mua bán tài sản có giá trị lớn, chuyển nhượng bất động sản, mua cổ phiếu… bắt buộc phải được thực hiện qua tài khoản tín dụng…

Một số ý kiến đề xuất tại Hội thảo cũng được đánh giá là nguồn thông tin quý báu để các cơ quan chức năng tham khảo, nghiên cứu nhằm tiếp thu, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Cụ thể như:

i) Đề nghị cần tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức;

ii) Xây dựng một đạo luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng để quy định các phương thức, trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm thu hồi tài sản.

iii) Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng là yếu tố bổ sung hữu ích cho biện pháp hình sự, ít nhất là trong những trường hợp tố tụng hình sự sẽ không thể hoặc quá khó khăn, tốn kém để thu hồi tài sản tham nhũng.

iv) Nghiên cứu khả năng kiểm soát thu nhập của toàn xã hội. Tích cực triển khai các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Điều ước quốc tế về Phòng chống tham nhũng và phòng, chống rửa tiền để hạn chế việc những đối tượng tham nhũng chuyển những tài sản do tham nhũng mà có ra nước ngoài.