“Tự rửa tiền” có bị xử lý như hình thức tội phạm rửa tiền?

PV.

(Tài chính) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) đã chính thức quy định tội danh rửa tiền, trên cơ sở sửa đổi tội danh Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền, đồng thời góp phần thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thường xuất hiện hành vi “tự rửa tiền”. Vậy hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn, có được xem xét, xử lý về tội rửa tiền hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Điều 251 BLHS quy định về tội phạm rửa tiền như sau: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hợt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có…”

Như vậy, quy định tại Điều 251 BLHS chưa thể hiện rõ chủ thể của tội phạm rửa tiền có bao gồm chủ thể của tội phạm nguồn hay không, điều đó dẫn đến các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các quan điểm khác nhau.

Khi phân tích, so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với 40+9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, có quan điểm đã nhận định: nếu bản thân người phạm tội thực hiện hành vi cất giấu, chứa chấp tiêu thụ tài sản do mình phạm tội mà có thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn.Nhận định khác lại cho rằng: quy định tại Điều 251, Bộ luật Hình sự Việt Nam cho phép trừng trị các hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn tuy rằng nó chưa được thể hiện trong thực tiễn xét xử.

Trên thực tế xét xử của Việt Nam, khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì thông thường người phạm tội chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố theo Điều 251 BLHS, vì hình phạt đối với các tội phạm nguồn trong trường hợp này thường đã rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp là hình phạt cao nhất - tử hình. Do vậy, không cần thiết phải truy tố một hành vi kém nghiêm trọng hơn quy định tại Điều 251 BLHS. Tuy nhiên, FATF không công nhận vấn đề này như một nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam để lấy đó làm cơ sở không truy tố hành vi tự rửa tiền một cách độc lập.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống rửa tiền trong tương lai, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế, chúng tôi cho rằng nên bổ sung quy định tại Điều 251 BLHS theo hướng: coi hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn cũng là hành vi phạm tội rửa tiền khi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm này; như vậy hành vi tự rửa tiền phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập, trên cơ sở những căn cứ sau: Một là, xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc công bằng về trách nhiệm hình sự. Hai là, xuất phát từ lợi ích quốc gia và yêu cầu của hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống rửa tiền.

Quy định truy tố hành vi tự rửa tiền trong luật hình sự Việt Nam là cần thiết và đặc biệt hiệu quả trong xử lý những đối tượng rửa tiền xuyên quốc gia và đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong hợp tác quốc tế; phù hợp với xu thế tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố trên toàn cầu.