Tương lai nào cho thanh toán không sử dụng tiền mặt?

PV.

Các dịch vụ thanh toán trực tuyến phải tiếp cận người dùng bằng cách mở rộng giải pháp của mình tại các điểm offline. Tình hình này cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đang có hướng phát triển ngược so với thế giới.

Rào cản kìm hãm sự phát triển văn hóa không dùng tiền mặt

Tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện thanh toán diễn ra dưới hai hình thức, thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, thanh toán bằng tiền mặt là phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến từ xa xưa tới nay nhằm phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hoá.

Thống kê hiện có tới 90% người dân Việt Nam sử dụng thanh toán bằng tiền mặt và số người có thẻ ngân hàng chỉ là 20%.

Theo thời gian và sự phát triển phương thức thanh toán tiền mặt dường như chỉ còn phù hợp với nền kinh tế có quy mô sản xuất nhỏ, việc trao đổi thanh toán hàng hoá với số lượng ít.

Một số điểm hạn chế về tiền mặt xét trên quan điểm kinh tế , phương thức này còn mang đến nhiều rủi ro. Ngoài ra, tiền mặt còn tạo nên các cơn sốt về khan hiếm, dẫn đến giá cả tăng cao, gây sức ép lên nền kinh tế.

Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ trả trước tuy không còn mới lạ tại Việt Nam nhưng hình thức này đang tập trung vào khối người tiêu dùng có mức thu nhập cao. Phương thức này cũng gặp nhiều khó khăn trong các giao dịch hàng ngày, khi phải gánh một phí dịch vụ không nhỏ.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thì việc thu phí dịch vụ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi tại Việt Nam, chất lượng và giá cả của dịch vụ ngân hàng luôn có những khoảng cách chênh lệch nhất định.

Điều này cũng được chứng minh bằng những con số về doanh thu từ thẻ nội địa hiện nay như: Rút tiền chiếm 84%, chuyển khoản 15% và chỉ 0,3% giao dịch tại các thanh toán mua bán.

Số lượng thẻ tuy nhiều nhưng vẫn chỉ tập trung vào các thành phố lớn, còn các ngân hàng quá tập trung vào những con số mà quên đi mất tầm quan trọng việc xây dự hạ tầng và văn hóa sử dụng thẻ.

Một trong những biện pháp cũng đang gây tranh cãi trong việc giảm giao dịch tiền mặt là thu phí dịch vụ rút tiền ATM. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người dân lao động, người tiêu dùng lớn tuổi, công nhân nhà máy và người dân nông thôn… có thu thập thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Ly, đồng sáng lập công ty Payteck cho rằng, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều hạn chế. Ngoài thói quen, thì phải kể đến chi phí đầu tư hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt rất lớn, cần có một khoảng thời gian khá dài để phổ cậprộng rãihình thức này đến người tiêu dùng.

Đối với máy ATM, chi phí để mua 1 chiếc máy đã là 500 triệu đồng chưa kể phí vận hành lên đến 300 triệu mỗi năm. Nếu chỉ dựa vào 84% doanh thu đến từ việc rút tiền thì hàng năm ngân hàng phải liên tiếp bù lỗ để duy trì hệ thống ATM của mình.

Còn đối với các điểm POS thanh toán thì chi phí đầu tư và duy trì thấp hơn nhiều nhưng đồng nghĩa với đó là sự bùng nổ các điểm thanh toán. Điều này dẫn đến việc một địa điểm có thể có nhiều thiết bị POS khiến phí thu được của ngân hàng từ đây cũng không cao.

Dường như đang đi ngược so với thế giới

Thương mại điện tử bùng nổ cũng là một trong những yếu tố góp phần vào việc thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, việc nhận hàng rồi mới trả tiền đang diễn ra phổ biến và có tỷ lệ rất lớn trong thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp cũng như người bán hàng trực tuyến cũng chưa thực sự coi trọng cũng như chăm sóc tốt loạt khách hàng thanh toán trả trước…

Các dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn phải tiếp cận người dùng bằng cách mở rộng giải pháp của mình tại các điểm offline. Payoo – Cổng thanh toán có mặt sớm tại thị trường Việt Nam là một điển hình.

Sau hơn 5 năm phát triển trực tuyến, Payoo đã buộc phải mở rộng phương thức tiếp cận người dùng bằng cách triển khai các điểm thánh toán offline; cho phép khách hàng đến các cửa hàng tiện lợi, hoặc các đơn vị như bưu điện, cửa hàng điện thoại để đóng tiền điện, tiền Internet… bằng tiền mặt.

Ngay cả đối với Uber cũng phải cung cấp dịch vụ trả tiền mặt để phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam bởi số lượng khách sử dụng thẻ tín dụng còn thấp… Tình hình trên cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đang có hướng phát triển ngược so với thế giới.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới, cho nên sớm muộn Việt Nam cũng sẽ phải tham gia. Do đó, để tạo nên được văn hóa không dùng tiền mặt ở Việt Nam, khách hàng phải tiếp cận được với dịch vụ thanh toán; các điểm chấp nhận thanh toán và các dịch vụ có thể thanh toán phải đa dạng, phổ biến hơn.

Chính sách của Nhà nước khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt (giảm phí, giảm thuế) cũng đóng vai trò không kém quan trọng trong việc phổ biến phương thức này.