Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực trong công tác phòng chống rửa tiền

PV.

Hiện nay, việc thực hiện phòng, chống rửa tiền (PCRT) đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Nhận thức tầm quan trọng đó, thời gian qua, UBCKNN đã tích cực và chủ động trọng công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.

Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTCK để chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý các nước.
Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTCK để chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý các nước.

Hiện nay, rửa tiền đang là vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, với đặc trưng của một nền kinh tế chủ yếu sử dụng tiền mặt trong giao dịch thì vấn đề này đối với Việt Nam càng trở nên cấp thiết. Bởi theo nhận định của các chuyên gia tài chính tiền tệ, Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho tội phạm rửa tiền trú ẩn, đặc biệt là các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

TTCK Việt Nam ngay khi mới ra đời đã trở thành một kênh huy động vốn sôi động, thu hút lượng tiền đầu tư lớn từ công chúng. Theo tính toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 13,8%, HNX-Index tăng khoảng 4% so với cuối năm 2015.

Mức vốn hóa thị trường đạt 1.590 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP, tăng 17% so với cuối năm 2015; Thanh khoản thị trường tăng mạnh, giao dịch bình quân 1 phiên đạt gần 6.200 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2015, trong đó giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng 34%; giao dịch cổ phiếu tăng 16% so với năm 2015.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do đó, hoạt động rửa tiền ngày càng diễn biến phức tạp. 

Hiện nay, tính phức tạp và tinh vi trong các giao dịch chứng khoán khiến việc lần theo dấu vết của dòng tiền vào TTCK rất khó khăn. Hoạt động quản lý tiền và chứng khoán tại các tổ chức trung gian thị trường chưa được tách bạch hoàn toàn, dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch nói chung trong giao dịch. Hoạt động giao dịch chứng khoán phi tập trung, chứng khoán thị trường “xám”, giao dịch ngầm vẫn còn, có thể tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền diễn ra. 

Nhận thức được những vấn đề này, Bộ Tài chính, UBCKNN đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động trên TTCK, siết chặt kỷ luật thị trường, đưa các giao dịch chứng khoán vào tập trung và có quản lý bằng cách xây dựng thị trường UPCOM để giao dịch các chứng khoán không niêm yết, tách bạch tài khoản tiền và chứng khoán trong giao dịch đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát trên TTCK.

Đặc biệt, từ sau năm 2009, sau khi Việt Nam tiếp nhận đánh giá đa phương về PCRT của APG, UBCKNN đã có những nỗ lực để khắc phục các thiếu hụt về chính sách trong PCRT trên TTCK. Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết, để công tác phòng chống rửa tiền hiệu quả trong lĩnh vực chứng khoán, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý. Để khung pháp lý về TTCK có hiệu quả và hỗ trợ tốt cho hoạt động PCRT trong lĩnh vực chứng khoán, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn việc triển khai các quy định về PCRT dành riêng cho lĩnh vực chứng khoán.

Thực hiện các sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các thành viên thị trường trong việc xây dựng quy định nội bộ và thực hiện các quy định về PCRT theo hướng cụ thể hóa các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, kết hợp với việc rút kinh nghiệm từ những gì các tổ chức tài chính tại các thị trường đã phát triển trên thế giới đang làm.

Thứ hai, cần tăng cường giám sát tuân thủ và kiểm tra. Yêu cầu các tổ chức báo cáo phải xây dựng quy trình nội bộ, cử cán bộ chuyên trách và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về PCRT. Thực hiện phân loại, sắp xếp và theo dõi mức độ tuân thủ về PCRT của các tổ chức báo cáo, coi đây là tiêu chí đánh giá hoạt động của các tổ chức báo cáo bên cạnh các tiêu chí về hiệu quả hoạt động kinh doanh và đầu tư khác.

Xây dựng quy trình nội bộ trong cơ quan quản lý nhà nước về PCRT, trong đó quy định rõ cách thức xử lý thông tin báo cáo và quy trình xử lý đối với các giao dịch đáng ngờ hoặc giao dịch tiền mặt có giá trị lớn được báo cáo.

Phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các đơn vị trong cơ quan để đảm bảo việc tổ chức thực hiện PCRT được làm thường xuyên, liên tục. Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra từ xa và trực tiếp đối với các tổ chức báo cáo nhằm tăng cường hiệu quả công tác giám sát và quản lý.

Nâng cao chất lượng giám sát thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin cho đơn vị giám sát của UBCKNN để đảm bảo hoạt động giám sát có chất lượng.

Thứ ba, cần tăng cường đào tạo cơ bản và nâng cao cho cán bộ giám sát, nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực PCRT. 

Thứ tư, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTCK để chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý các nước. Hành vi rửa tiền trên thực tế thường được thực hiện xuyên biên giới nhằm che dấu nguồn gốc bất chính của đồng tiền. Do đó, PCRT đòi hỏi nỗ lực và sự phối hợp của cơ quan quản lý các nước, chứ không thể thực hiện được bởi duy nhất một cơ quan.