Việt Nam sẵn sàng phối hợp để làm rõ “Hồ sơ Panama”

PV.

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước thông tin một số tổ chức, cá nhân của Việt Nam có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama ” do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố trên trang web của ICIJ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng vào cuộc

Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa chính thức công bố danh sách các cá nhân và tổ chức thành lập công ty và tài khoản ngân hàng tài các thiên đường thuế.Theo đó, trong danh sách xuất hiện một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến Việt Nam. Điều này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong nước.

Trước thông tin trên, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng “vào cuộc”. Ngoài việc đối chiếu dữ liệu phòng chống rửa tiền với Hồ sơ Panama, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu để rà soát hoạt động tài chính của các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.

Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền khẳng định, hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài...

Theo Pháp lệnh Ngoại hối 2005 đã được sửa đổi, bổ sung; Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luận.

Không dễ mở tài khoản ở nước ngoài để rửa tiền

Theo ông Trương Văn Phước -Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia:Việc mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài là không hề dễ, bởi pháp luật quản lý rất chặt chẽ về vấn đề này. Theo quy định hiện nay, mọi hoạt động mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đều phải phải được Vụ quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thông qua và xem xét các điều kiện để mở tài khoản.

Vì vậy, theo ông Phước “sẽ là thiếu cơ sở nếu chỉ đọc thông tin công bố trên mạng về hồ sơ Panama mà kết luận các cá nhân, doanh nghiệp có trong danh sách là rửa tiền hay trốn thuế”.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tich Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: “Chưa thể khẳng định những người có tên trong danh sách đó là không vi phạm. Vấn đề này liên quan tới luật quản lý ngoại hối”. Ông Ngoạn cho rằng, có hai nguyên tắc rất đơn giản để xem xét những cá nhân này có vi phạm hay không. Thứ nhất, xem họ chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, kinh doanh hay tiền gửi có hợp pháp không? Thứ hai, trong quá trình thực hiện họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế hay chưa. “Nếu một trong hai cái đó mà thiếu thì là sai phạm" – Ông Ngoạn khẳng định.

Đồng quan điểm này, ông Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc có tên trong “Tài liệu Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, việc họ có tên trong danh sách này, có thể là họ có tài khoản gửi ra nước ngoài để trốn thuế, hoặc chỉ đơn giản là để thanh toán, để gửi tiết kiệm… Do vậy, theo ông Khiêm: “các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách cần giải trình đầy đủ các lý do để chứng minh mình trong sạch. Trên cơ sở đó các cơ quan chức năng đối chiếu, phân tích và đi tới kết luận”.