Xã hội không tiền mặt: Cách mạng về thanh toán

PV.

“Tỷ lệ thanh toán tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam hiện đang là 11,88% và sẽ bùng nổ vào năm 2020”, hai chuyên gia tài chính – ngân hàng: ông Đào Minh Tuấn, Ngân hàng Vietcombank và ông Nguyễn Bá Diệp, Công ty M_Service chia sẻ như vậy tại buổi tư vấn trực tuyến “Xã hội không tiền mặt: Cách mạng về thanh toán”, do Báo điện tử VnExpress tổ chức ngày 17/9/2015.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank và ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch M_Service
Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank và ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch M_Service

- Là chủ tịch hội thẻ Việt Nam, ông có thể cho biết hiện nay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là bao nhiêu? Theo ông thì đến khi nào tại Việt Nam sẽ phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt?

- Ông Đào Minh Tuấn: Hiện tỷ lệ thanh toán tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là 11,88%. Tỷ lệ này nhìn chung đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra từ năm 2011 trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Theo thông lệ quốc tế, dù có mức độ phát triển ở mức độ nào thì vẫn phải duy trì ít nhất một tỷ lệ tiền mặt nào đó, có thể thấp. Tôi tin rằng từ nay đến năm 2020, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam sẽ phổ cập hơn.

- Muốn áp dụng hệ thống thanh toán điện tử thì cần làm gì? Nếu sử dụng hình thức thanh toán điện tử thì trong bao lâu chủ cửa hàng sẽ nhận được thanh toán của khách hàng?

- Ông Nguyễn Bá Diệp: Đối với các giao dịch dùng thẻ ngân hàng, đầu tiên cửa hàng phải có đầu đọc POS để thực hiện việc thanh toán điện tử. Mỗi ngân hàng lại có những quy định riêng, chủ cửa hàng có thể liên hệ với ngân hàng để biết thêm chi tiết. Còn đối với ví điện tử, rất đơn giản, chị chỉ cần download ứng dụng MOMO và đăng ký sử dụng. Khi khách hàng thanh toán, chị sẽ nhận được tiền ngay.

- Một số điểm POS không yêu cầu khách hàng xuất trình chứng minh nhân dân để kiểm tra xem có trùng với chủ thẻ hay không. Đây là một khoảng trống mà các ngân hàng cần lưu tâm các điểm chấp nhận thanh toán qua POS?

- Ông Đào Minh Tuấn: Theo thông lệ, bất ký giao dịch nào, đơn vị chấp nhận thẻ (POS) đều có quyền yêu cầu chủ thẻ xuất trình chứng minh nhân dân để định danh chủ thẻ. Trong trường hợp xảy ra mạo danh, các POS phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trong thực tế, kể cả ở nhiều nước phát triển, chủ yếu người ta chỉ kiểm tra với giá trị giao dịch lớn để không quá gây phiền phức cho chủ thẻ khi thanh toán. Do vậy, bản thân ngân hàng luôn khuyến cáo các POS và các chủ thẻ thực hiện đúng quy trình để hạn chế rủi ro.

- Để tránh mất tiền oan thì nên có việc đăng kí bảo mật 2 lớp không? Nếu mã thứ 2 không được xác nhận thì tiền không thể ra khỏi tài khoản được?

- Ông Nguyễn Bá Diệp: Việc này có thể giải quyết được nếu bạn thanh toán trên điện thoại di động (mobile payment) vì lúc đó công nghệ bảo mật 2 yếu tố sẽ được áp dụng. Cách này được hiểu là bảo mật hai yếu tố, nghĩa là người dùng phải nhớ mật khẩu và phải có điện thoại (số được đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán xác thực) thì giao dịch thanh toán mới được thực hiện.

- Thói quen người Việt là thích cảm giác cầm tiền mặt và sở hữu trực tiếp. Giao dịch thanh toán điện tử có thể khiến họ không an tâm. Các ông sẽ làm gì để thuyết phục họ sử dụng?

- Ông Nguyễn Bá Diệp: Đấy là thói quen của người Việt. Để thay đổi thói quen thì chúng ta cần có thời gian và động lực để thay đổi. Động lực chính để thay đổi chính là sự đơn giản, tiện lợi, an toàn của các phương tiện thanh toán điện tử và dịch vụ đa dạng dịch vụ trên nền tảng này. Thời đại số hoá hiện nay, các bạn bị “bắt buộc” sử dụng thanh toán điện tử.

Ví dụ đơn giản nhất, để sử dụng các ứng dụng tuyệt vời của chiếc điện thoại iPhone bạn buộc phải có tài khoản Itune để tải về máy; Hay các dịch vụ xuyên biên giới bạn cũng buộc phải có tài khoản điện tử đễ thanh toán… Và xu hướng nữa có thể kế như các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích … đầy mạnh xu hướng thanh toán điện tử thay vì truyền thống là có người thu tiền tận nhà như trước đây… Tôi nghĩ là sự tiến hoá của dịch vụ thanh toán.

- Khách hàng được lợi gì khi sử dụng thanh toán điện tử, thưa ông?

- Ông Nguyễn Bá Diệp: An toàn, tiện lợi và nhanh chóng chính là các điểm lợi khi khách hàng sử dụng thanh toán điện tử. Ngoài ra, thanh toán điện tử còn giúp bạn dễ kiểm soát chi tiêu thông qua sao kê điện tử. Bên cạnh đó, người sử dụng còn được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà cung cấp, vì không phải thông qua các đơn vị phân phối trung gian. Chi phí này được giảm trực tiếp cho khách hàng.