Xây dựng các quy định nội bộ phòng ngừa hoạt động rửa tiền

PV.

Trong công tác phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo chính (các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính) là bức tường, là rào cản đầu tiên đối với những nguồn tiền bất hợp pháp. Việc xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền là biện pháp phòng ngừa cơ bản mà bất kỳ đối tượng báo cáo nào cũng phải thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Muốn hợp pháp hoá hay muốn những khoản thu từ hoạt động phạm tội của mình có vẻ ngoài hợp pháp thì những kẻ phạm tội thông thường tìm đến những tổ chức tài chính, những tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan để giao dịch, để chuyển đổi trạng thái tài sản hoặc để chuyển đổi hình thức tồn tại của giá trị tài sản mà chúng nắm giữ. Vì vậy, Luật Phòng, chống rửa tiền tập trung quy định các biện pháp phòng ngừa hoạt động rửa tiền đối với các đối tượng báo cáo.

Các biện pháp phòng ngừa hoạt động rửa tiền mà các đối tượng báo cáo phải thực hiện bao gồm: xây dựng quy định nội bộ; nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, xác minh thông tin nhận dạng khách hàng; phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; đánh giá tăng cường đối với một số khách hàng, giao dịch có mức độ rủi ro cao; báo cáo, cung cấp và lưu giữ thông tin.

Trong đó, việc xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền là biện pháp phòng ngừa cơ bản mà bất kỳ đối tượng báo cáo nào cũng phải thực hiện.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền với những nội dung chính sau đây:

- Chính sách chấp nhận khách hàng;

- Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng;

- Giao dịch phải báo cáo;

- Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ;

- Lưu giữ và bảo mật thông tin;

- Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn thực hiện giao dịch;

- Báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đào tạo nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;

-  Kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

Nội dung quy định nội bộ phải bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền; phù hợp cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của đối tượng báo cáo và phải được phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có liên quan của đối tượng báo cáo.

Đối tượng báo cáo phải thường xuyên đánh giá quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền để sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Như vậy, thực chất quy định nội bộ chính là hình thức thể chế hoá các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống tổ chức của đối tượng báo cáo và được cụ thể hoá trong điều kiện, hoàn cảnh và tình trạng hoạt động của đối tượng báo cáo theo từng thời kỳ. Bất cứ đối tượng báo cáo nào theo quy định tại Khoản 3 và 4 của Luật Phòng, chống rửa tiền cũng phải xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.