Đo lường mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng

Hoàng An

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các giao dịch tài chính quốc tế ngày càng đa dạng... đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng hiện đang ở ở mức trung bình cao.

Thông thường, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Nghiên cứu về các vụ điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và số liệu thống kê của Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) có thể thấy, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng liên quan chủ yếu liên quan đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, tội đánh bạc và trốn thuế…

Việc thanh tra trên cơ sở rủi ro nói chung, trong đó có nội dung về phòng, chống rửa tiền mới được bước đầu áp dụng đối với khối thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài mà chưa được triển khai áp dụng đối với khối các tổ chức tín dụng trong nước. Nguồn lực thực hiện thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền cũng còn có những hạn chế nhất định.

Với mạng lưới rộng lớn và là kênh trung gian tài chính cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ... mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng cũng được đánh giá ở mức trung bình cao, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đã được coi trọng. Qua thanh tra, đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; tuy nhiên, chưa phát hiện vi phạm nghiêm trọng và chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào về phòng, chống rửa tiền. Hầu hết nhân viên ngân hàng đều nhận thức về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của mình, chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ ngày càng được cải thiện và không có dấu hiệu thông đồng với tội phạm hay thực hiện các hành vi gian lận trong việc kiểm soát hoạt động phòng, chống rửa tiền.

 Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước chưa có sổ tay thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro. Việc thanh tra trên cơ sở rủi ro nói chung, trong đó có nội dung về phòng, chống rửa tiền mới được bước đầu áp dụng đối với khối thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài mà chưa được triển khai áp dụng đối với khối các tổ chức tín dụng trong nước. Nguồn lực thực hiện thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền cũng còn có những hạn chế nhất định.

Thứ ba, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 12/12/2014) đã có các điều khoản xử phạt cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (đình chỉ, miễn nhiệm chức danh) mà chưa có hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp về một hoặc một số hoạt động, dịch vụ ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác.

Thứ tư, Luật phòng, chống rửa tiền và các yêu cầu về cấp phép và đăng ký chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Thứ năm, mặc dù Luật phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã quy định đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Điều 20), bao gồm có nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu hụt liên quan đến việc một vài ngân hàng chưa tự tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nào về kiến thức phòng, chống rửa tiền, hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện sàng lọc, giám sát khách hàng và giao dịch còn hạn chế, số lượng và chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ chưa cao.

Thứ sáu, chưa có cơ chế hiệu quả để có thể tiếp cận các thông tin về cơ cấu, quản lý, kiểm soát và chủ sở hữu hưởng lợi của các công ty, tín thác hay các doanh nghiệp tương tự nhằm hỗ trợ việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng một cách kịp thời.

Thứ bảy, Mức độ sẵn có của các nguồn thông tin độc lập: Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước  quản lý lưu giữ thông tin của hơn 30 triệu khách hàng vay, với sự tham gia báo cáo, cung cấp thông tin của 100% các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô cũng như các tổ chức khác trong và ngoài hệ thống ngân hàng.

Ngoài CIC, các ngân hàng còn sử dụng các nguồn thông tin độc lập khác như cơ quan thuế, hải quan, kiểm toán và các dịch vụ tra cứu như World-Check, Accuity, FIB. Tuy nhiên, những nguồn thông tin này mới chỉ được một số ít ngân hàng sử dụng và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định khách hàng của ngân hàng.