Nguy cơ rửa tiền từ tham nhũng

Hoàng Anh

Tội phạm tham nhũng là một trong những tội phạm nguồn trong nước có nguy cơ rửa tiền. Để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp thu được, tội phạm tham nhũng thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền này nhằm biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch”.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, hành vi tham nhũng bao gồm “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Ngân hàng Nhà nước công bố hồi tháng 5/2019 cho thấy, đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố 01 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô. Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn (cụ thể, năm 2016 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2017 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo).

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”.

Đối với tội nhận hối lộ, số liệu truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này tương đối thấp (năm 2016 xét xử 15 vụ với 53 bị cáo, năm 2017 là 83 vụ với 151 bị cáo). Thực tế, hành vi nhận hối lộ thường khó phát hiện nhưng những năm gần đây những vụ án nhận hối lộ thường có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền đối với tội phạm này ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ (số liệu xét xử đối với loại tội phạm này vào năm 2016 và 2017 lần lượt là 26 vụ với 42 bị cáo và 34 vụ với 48 bị cáo), số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng (số tiền phải thi hành án năm 2016 là 18,1 tỷ đồng tương đương 0,82 triệu USD) vào năm 2016 nhưng tăng đột biến vào năm 2017 lên 64,4 tỷ đồng tương đương 2,93 tỷ USD).

Tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này cho thấy, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền. Thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản gây rúng động dư luận.

Bên cạnh tội phạm tham ô tài sản, n hận hối lộ  và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, nguy cơ rửa tiền từ tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng rất cao. Đến nay, Việt Nam chưa tiến hành khởi tố, điều tra vụ án nào về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, số liệu thống kê về khởi tố, truy tố và xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho thấy, hàng năm, số lượng vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra xét xử là rất nhiều (trung bình hơn 1.000 vụ/năm với số bị cáo bị kết tội là hơn 1.200 bị cáo). Năm 2016 với 1.073 vụ án được xét xử thì số tiền phải thi hành án lên đến 12.497 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thu hồi mới đạt 45,5 tỷ đồng. Trong năm 2017, loại tội phạm này có dấu hiệu hạ nhiệt với 958 vụ án bị xét xử thì số tiền phải thi hành án là 204 tỷ đồng và số tiền thu hồi đạt 18,8 tỷ đồng.

Điều này cho thấy mặc dù số tiền cần thu hồi trong các vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá lớn xong tỷ lệ thu hồi thực tế chưa đến 10%. Thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho thấy, nhiều vụ án thường được thực hiện bởi các cá nhân và tội phạm có xu hướng sử dụng các khoản tiền chiếm đoạt được cho mục đích chi tiêu cá nhân thay vì chuyển cho người khác.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2013, Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Rửa tiền” cũng như các quy định về thuế, kiểm soát tài sản đã góp phần phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm được coi là tội phạm nguồn, trong đó có tội phạm tham nhũng, các cơ quan tố tụng cần chú trọng mở rộng điều tra. Nếu phát hiện có các hành vi nhằm hợp pháp hóa những tài sản có được do phạm tội thì cần phải điều tra, truy tố cả về tội rửa tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.