Rủi ro rửa tiền “đe dọa” hệ thống ngân hàng Việt

Mai Anh

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao nhất. Với mạng lưới và kênh trung gian tài chính rộng lớn, hệ thống ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro nghiêm trọng tiềm ẩn từ tội phạm rửa tiền.

Rủi ro ở mức cao

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Ngân hàng Nhà nước công bố hồi tháng 5/2019, lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.

Mặc dù phải khẳng định rằng không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn.

Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về STR của Cục Phòng, chống rửa tiền có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, đánh bạc và trốn thuế. Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc gia. Tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng đã tăng từ 4.993.913 tỷ đồng năm 2011 (bằng 180% giá trị tổng GDP cả nước) lên tới 8.503.571 tỷ đồng năm 2016 (bằng 190% tổng GDP cả nước). Với mạng lưới rộng lớn và là kênh trung gian tài chính cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ..., mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng là rất cao.

Nhiều khó khăn trong phòng, chống

Dù có nguy cơ lớn, nhưng đến nay chưa có vụ án nào bị khởi tố, xét xử liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố qua lĩnh vực ngân hàng. Công tác phòng, chống nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố của hệ thống ngân hàng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn từ cơ chế pháp lý cũng như từ bản thân mỗi ngân hàng.

Hiện nay, NHNN chưa có sổ tay thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro. Việc thanh tra trên cơ sở rủi ro nói chung và thanh tra về phòng, chống rửa tiền nõi riêng mới được bước đầu áp dụng đối với khối thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài mà chưa được triển khai áp dụng đối với khối các tổ chức tín dụng trong nước. Thêm vào đó, nguồn lực thực hiện thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền cũng còn có những hạn chế nhất định gây khó khăn trong phòng, chống tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng.

Hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, Luật phòng, chống rửa tiền và các yêu cầu về cấp phép và đăng ký chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Mặc dù Luật phòng, chống rửa tiền và Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã quy định đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Điều 20), bao gồm có nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu hụt liên quan đến việc một vài ngân hàng chưa tự tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nào về kiến thức phòng, chống rửa tiền, hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện sàng lọc, giám sát khách hàng và giao dịch còn hạn chế, số lượng và chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ chưa cao.

Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 12/12/2014) đã có các điều khoản xử phạt cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, quy định mới chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (đình chỉ, miễn nhiệm chức danh) mà chưa có hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp về một hoặc một số hoạt động, dịch vụ ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác.

Đồng thời, chưa có cơ chế hiệu quả để có thể tiếp cận các thông tin về cơ cấu, quản lý, kiểm soát và chủ sở hữu hưởng lợi của các công ty, tín thác hay các doanh nghiệp tương tự nhằm hỗ trợ việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng một cách kịp thời.

Thêm vào đó, mức độ sẵn có của các nguồn thông tin độc lập còn chưa đồng bộ giữa các ngân hàng. Ngoài Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), các ngân hàng còn sử dụng các nguồn thông tin độc lập khác như cơ quan thuế, hải quan, kiểm toán và các dịch vụ tra cứu như World-Check, Accuity, FIB. Tuy nhiên, những nguồn thông tin này mới chỉ được một số ít ngân hàng sử dụng và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định khách hàng của ngân hàng... gây khó khăn trong công tác phòng, chống rửa tiền.