VN-Index nhanh chóng “rút chân” cuối phiên, thu hẹp đà giảm

Minh Lâm

Lực cầu về cuối phiên ngày 28/9 tuy thưa thớt nhưng cũng đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm về sát mốc tham chiếu và chỉ giảm hơn 1 điểm so với phiên trước.

Sau đà tăng hồi phục hôm qua, áp lực chốt lời vội xuất hiện ngay khi mở cửa phiên ngày 28/9. Sắc đỏ bao trùm thị trường với xấp xỉ 300 mã giảm điểm. Thanh khoản bán chủ động gia tăng ở hầu hết tất cả các nhóm ngành và chỉ có số ít cổ phiếu bán lẻ và dầu khí còn duy trì được sắc xanh tích cực với mức phục hồi lần lượt là 3% và 1,6%.

Thị trường chìm trong sắc đỏ đi kèm thanh khoản "èo uột".
Thị trường chìm trong sắc đỏ đi kèm thanh khoản "èo uột".

Tính đến hết phiên sáng, thanh khoản bán chủ động chiếm đến gần 70% tổng thanh khoản thị trường khiến cho VN-Index nhanh chóng mất đi nỗ lực phục hồi của phiên hôm qua, lui sát về vùng điểm 1.140 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, diễn biến của thị trường đã có sự cải thiện đáng kể so với phiên sáng khi VN-Index thu hẹp mức giảm từ -15 điểm còn -1,42 điểm, dừng ở mốc 1.152,43 điểm cuối phiên. Thị trường đã cố không để đánh rơi nhiều điểm nhưng lại mất đi sự sôi động khi lực cầu vẫn tỏ ra cực kỳ thận trọng.

Thanh khoản thị trường tiếp tục có sự sụt giảm so với phiên hôm qua. Cụ thể, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt 691 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 15,8 nghìn tỷ đồng. Khối lượng giao dịch của HNX-Index cũng chỉ đạt hơn 83,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1,8 nghìn tỷ đồng.

GAS (+2,92%) và TCB (+3,22%) là hai mã đóng góp tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp lần lượt 1,28 và 0,95 điểm tăng. Ngoài ra, các mã PVS (+5,61%), KSV (+4,01%), IDC (+1,52%) là những mã tích cực giúp thu hẹp đà giảm. Ngược lại, VNM (-2,35%) và VHM (-4,76%) là hai mã gây áp lực lớn nhất đến chỉ số khi lần lượt lấy đi 0,92 và 0,73 điểm.

Diễn biến phân hoá ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành trụ cột. Nhóm chứng khoán (-1,28%) giảm mạnh nhất khi các mã lớn như SSI, VND, VIX, VCI, HCM đều mất 2-3% giá trị. Ngược lại, một số mã nhỏ hồi phục mạnh, như FTS tăng trần, BMS tăng 7,8%, BSI tăng 5,4%, VUA tăng 6,7%...

Nhóm ngân hàng, ngoài TCB, có LPB (+2,6%) tăng đáng kể và TPB, ABB và NAB tăng hơn 1%, VPB (+0,95%), VCB (+0,23%), BVB(+1%). Tuy nhiên, lực kéo giảm của các mã cổ phiếu ngân hàng như SSB (-4,76%) và STB (-3,3%), EIB (-3,2%), NVB (-2,4%), VIB (-1,02%) và ACB (-1,14%) đã khiến chỉ số chung của cả nhóm ngân hàng giảm nhẹ -0,14%. Còn lại: BAB, MBB, KLB, PGB, SGB, VAB đứng tham chiếu.

Tương tự, nhóm bất động sản ghi nhận giảm ở nhiều mã lớn như VHM (-1,3%), VIC (-0,4%), VRE (-2,5%), DIG (-3,9%), CEO (-3,7%), DXG (-1%); BCG, HDC, TCH, CII, LCG... giảm hơn 2%; FCN, HTN, TCD, giảm trên dưới 4%. Ngược lại, NVL (+1,6%), NLG (+2,8%), NTL (+4,5%)... đều giữ được sắc xanh khi kết phiên.

Các nhóm ghi nhận dòng tiền vào mạnh hơn ra là thuỷ sản, hoá chất, vật liệu xây dựng, bán lẻ, bảo hiểm; tuy nhiên đều có sự phân hoá giữa các cổ phiếu trong bối cảnh thanh khoản không còn dồi dào. Chỉ có nhóm dầu khí là đồng thuận đi lên.

Sự tiêu cực vẫn được khối ngoại thể hiện khi quay ra bán ròng hơn 400 tỷ đồng sau 3 phiên giải ngân mạnh mẽ, trong đó tâm điểm bán chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.

Phiên hôm nay, khối ngoại tập trung bán ròng nhiều nhất ở STB (-88,16 tỷ đồng). Mặt khác, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cặp đôi bất động sản, gồm VCG được mua ròng 2,85 triệu đơn vị, giá trị đạt 67,51 tỷ đồng và PDR được mua ròng 2,44 triệu đơn vị, giá trị đạt 56,82 tỷ đồng.