VN-Index rơi tự do 46 điểm, điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 8

Minh Lâm

Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng cùng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ đã khiến VN-Index nhanh chóng mất điểm, lui về khu vực 1.055 điểm.

Ngay trong phiên ATO ngày 26/10, VN-Index bất ngờ mở gap giảm điểm và sau đấy, lực bán liên tục đã khiến cho thị trường chung lao dốc, mất ngưỡng hỗ trợ tại 1.100 điểm.

Sắc đỏ và xanh lơ bao phủ bảng điện tử phiên ngày 26/10.
Sắc đỏ và xanh lơ bao phủ bảng điện tử phiên ngày 26/10.

Tác động tiêu cực nhất tới thị trường hôm nay là cổ phiếu của Vingroup bao gồm VIC (-6,94%), VHM (-6,9%), VRE (-6,99%) bị bán sàn và đã tạo tác động tiêu cực, đè nặng áp lực lên thị trường. Tuy nhiên, cổ phiếu VHM đã có những tín hiệu bớt tiêu cực hơn khi khớp hơn 6 triệu đơn vị và nhiều nhà đầu tư đã hủy lệnh bán sàn, khi có khoảng 32 triệu cổ phiếu dư bán sàn trong phiên đã chỉ còn hơn 5,8 triệu đơn vị khi đóng cửa.

Bên cạnh đó, tất cả 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn đều chìm trong sắc đỏ cũng đã tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư và thị trường đã xuất hiện những tín hiệu bán tháo với thanh khoản lớn. Trong đó, 6 mã giảm hết biên độ là VIC, VHM, VRE, MSN, PLX, GVR. Số ít mã như VCB (-1,5%), KDH (-1,5%), SSB (-1,5%), BID (-0,5%), PNJ (-0,4%) có vận động khả quan hơn phần còn lại.

Sắc đỏ bao trùm vẫn được ghi nhận trong phiên chiều với hơn 500 mã giảm điểm, trong đó có hơn 110 mã giảm sàn và chưa có bất kì chuyển biến tích cực nào trở lại. 

Tất cả nhóm ngành đều diễn biến kém tích cực trong phiên hôm nay, nhất là nhóm Chứng khoán (-6,86%), Dầu khí (-4,38%), Hóa chất (-5,72%), Bất động sản (-6,01%)... Điều này được thể hiện rõ qua mức giảm ở chỉ số VNMidcap (-4,8% ) và VNSmallcap (-4,61%). Sàn HOSE có 505 mã mất điểm, trong đó 123 mã giảm sàn. Nói chung, toàn thị trường chỉ có lác đác vài mã tăng điểm, còn lại bao phủ bởi 2 màu chủ đạo là đỏ và xanh lơ. 

Kết thúc phiên, VN-Index "dừng chân" ở vùng giá thấp nhất trong ngày ở 1.055 điểm, bốc hơi 46 điểm tương ứng giảm 4,2%, là mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ cuối tháng 8/2023. Thanh khoản khớp lệnh ở mức cao nhất tính từ đầu tháng trở lại đây với hơn 1,1 tỷ đơn vị, tương đương với hơn 22.000 tỷ đồng về giá trị.

Cùng chung xu hướng với dòng tiền khối nội, khối ngoại nâng quy mô giao dịch ở cả hai chiều và bán ròng 104 tỷ đồng, chủ yếu đến từ VHM (-244 tỷ đồng). Hoạt động mua ròng cũng trở nên sôi động hơn với giá trị nhiều nhất ở DGC (+133 tỷ đồng), STB (+105 tỷ đồng).

Bên cạnh những thông tin vĩ mô, hiện thị trường đang trong thời gian cao điểm về công bố kết quả kinh doanh quý III/2023. Theo thống kê của Fiin Trade, tính đến ngày 25/10/2023, đã có 633/1.609 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết (đại diện 32,6% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM) công bố kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2023 giảm -5,5% so với cùng kỳ.

Những ngành đóng góp chính vào mức sụt giảm này là Ngân hàng, Bất động sản, Hóa chất, Hàng cá nhân và Gia dụng. Riêng với Hóa chất, đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm hơn 65% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, Chứng khoán, Dầu khí, Công nghệ Thông tin là những ngành ghi nhận tăng trưởng mạnh về lợi nhuận so với cùng kỳ. Điểm tích cực là xu hướng suy giảm về lợi nhuận ở các doanh nghiệp phi tài chính đã thu hẹp đáng kể so với quý II/2023.

Vì vậy, tâm lý tiêu cực đang bao trùm trên thị trường, xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn. Nhà đầu tư trading nên ưu tiên cơ cấu danh mục về mức an toàn trong các nhịp hồi phục sớm. Việc sử dụng Margin nên được xem xét cẩn trọng để tăng tính an toàn cho danh mục.

Với nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, cần kiên nhẫn chờ thêm tín hiệu của thị trường, vị thế mua 10-20% nên được mở khi chỉ số có sự điều chỉnh mạnh và tập trung vào các cổ phiếu có chiết khấu hấp dẫn, tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động kinh doanh tích cực.