Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 và những bài học kinh nghiệm vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Đại tướng Phùng Quang Thanh ((Ủy viên Bộ Chính trị

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên mỗi chặng đường chiến đấu và chiến thắng, quân và dân ta đã tổ chức những trận đánh với quy mô thích hợp, nhằm tạo bước ngoặt, tăng thế và lực cho ta, đồng thời đẩy địch vào thế bị động đối phó, từng bước đi đến thất bại hoàn toàn. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào diễn ra 40 năm trước là một trong những trận đánh như vậy.

Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 và những bài học kinh nghiệm vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí chỉ huy Đoàn 559 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch này, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 21 (10-1973) khẳng định: "Chiến thắng Đường số 9 - Nam Lào là một đòn bất ngờ đánh vào chiến lược của Ních-xơn, mở ra khả năng mới đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ"(1). 

Thắng lợi trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào đã làm thất bại hoàn toàn ý đồ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn hòng chặt đứt tuyến hậu cần chiến lược của ta, cô lập cuộc kháng chiến ở miền Nam cũng như ở Cam-pu-chia và Lào(2). Tại đây, kế hoạch tiến công mang mật danh “Hành quân Lam Sơn 719” được Mỹ và chính quyền Sài Gòn chuẩn bị kỹ càng, đặt nhiều tham vọng, nhằm nhiều mục tiêu, nhưng đã bị phá sản. Về mặt quân sự, Mỹ và chính quyền Sài Gòn muốn thể nghiệm công thức chiến lược của "Việt Nam hóa chiến tranh": Bộ binh Sài Gòn + hỏa lực + hậu cần Mỹ, nhằm thông qua một cuộc hành quân quy mô lớn để thử thách, và nếu thành công, sẽ chứng tỏ quân đội Sài Gòn đủ khả năng thay thế vai trò của quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường. Để đạt được mục đích và tham vọng trên, Mỹ - ngụy đã huy động một lực lượng rất lớn lên tới 42 nghìn quân; trong đó, quân đội Sài Gòn có 33 nghìn - gồm các đơn vị thiện chiến nhất và cả lực lượng dự bị chiến lược là thủy quân lục chiến và quân dù(3) và 9 nghìn quân Mỹ, với sự yểm trợ của không quân, hải quân, pháo binh… của Mỹ. Chúng dự định tiến hành chiến dịch trong khoảng 3 tháng, với 4 giai đoạn và kết thúc trước mùa mưa năm 1971(4).

Trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, nắm chắc âm mưu của địch, Bộ Tổng tham mưu đã sớm nhận định tình hình, nhất là về địch, phán đoán đúng ý đồ hành động của chúng, kịp thời xác định biện pháp đối phó. Cuối tháng 1-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đồng ý với nhận định của Bộ Tổng tham mưu: Cuộc hành quân ra Đường 9 - Nam Lào, với lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam của ta là một bước phiêu lưu quân sự cực kỳ nghiêm trọng của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Hành động trên của địch sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng lại tạo cho ta cơ hội và thời cơ thuận lợi để ta tranh thủ tiêu diệt địch. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Trong bất cứ tình huống nào cũng phải đánh bại cuộc hành quân của địch, tiêu diệt cho được một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của chúng, bảo vệ cho kỳ được kho tàng và bảo đảm công tác vận tải chi viện cho các chiến trường. Nhằm thực hiện quyết tâm đã xác định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức lực lượng, chuẩn bị chiến trường chu đáo, chính xác, tạo thế trận phản công địch. Đặc biệt, về mặt lực lượng, chúng ta hình thành B70, tiếp đó là B702 - Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (tương đương quân khu), bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2); 4 trung đoàn pháo binh; 4 trung đoàn pháo cao xạ; 3 trung đoàn công binh; 3 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, một số tiểu đoàn đặc công cùng với lực lượng tại chỗ của các mặt trận: B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị - Thiên), Đoàn 559; Chỉ huy chiến dịch là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm(5).

Có thể thấy, việc ta bố trí, sử dụng một lực lượng rất mạnh để đối phó với cuộc hành quân lớn của địch, ngay từ đầu đã tạo được một thế trận chủ động, khiến địch bất ngờ. Điều quan trọng là nhiều mục tiêu chiến lược mà chúng đặt ra cho cuộc hành quân đã sớm bị quân ta triệt tiêu. Bằng sức mạnh của lực lượng binh chủng hợp thành, trong quá trình chiến đấu, thế trận phản công của ta chuyển hóa thành thế trận tiến công truy kích, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch tiến công của địch..

Sau gần 50 ngày đêm liên tục phản công và tiến công, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi vang dội. Ta đã đánh thiệt hại nặng 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo và súng cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo và súng cối, hơn 2000 súng bộ binh và nhiều trang dụng quân sự khác. 

 Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng một đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Chiến thắng lịch sử đó thực sự đánh dấu bước trưởng thành mới của Quân đội ta. Giờ đây, sau 40 năm nhìn lại, chúng ta có thêm điều kiện nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, tài thao lược của Đảng ta, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - bộ não chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là thắng lợi rực rỡ của khối đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung và tình hữu nghị thắm thiết của quân và dân Việt Nam - Lào, của quân và dân ba nước Đông Dương.

Vì thế, tôi cho rằng cuộc Hội thảo này có ý nghĩa rất thiết thực về nhiều mặt. Mục đích của cuộc Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc làm rõ và đi đến khẳng định thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971 đã tạo bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mà điều quan trọng là thắng lợi đó đã để lại những bài học kinh nghiệm quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước hết là bài học về sự chỉ đạo chiến lược và chiến dịch tài tình, sắc bén trên cơ sở nắm vững tình hình địch, phán đoán chính xác âm mưu, khả năng, ý đồ hành động của chúng, đề ra chủ trương, quyết tâm và kế hoạch tác chiến đúng, kịp thời.

Sự chỉ đạo ấy bắt nguồn từ đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo; từ nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân độc đáo; từ lập trường cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công, quyết tâm đánh bại hoàn toàn cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy Sài Gòn. Trước hết, là đánh bại ý đồ của chúng: Đánh chiếm Sê Pôn, phá tuyến vận tải chiến lược của ta từ gốc, triệt phá kho tàng, nhằm làm cho lực lượng chủ lực của ta bị suy yếu, không thể đánh tập trung lớn trong mùa khô 1971 và cả trong năm 1972, buộc phải quay về hoạt động nhỏ lẻ, phân tán. Sự chỉ đạo tài tình của Đảng còn được thể hiện tập trung trong việc nắm vững và đánh giá đúng kẻ địch, hạ quyết tâm chính xác, tổ chức thực hành chiến dịch chu đáo, linh hoạt, khẩn trương, đạt mục đích kiên quyết của chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

 Ngay từ giữa năm 1970, ta đã nhận định và đánh giá chính xác về thế chiến lược so sánh lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị dự đoán trong mùa khô sắp tới, đế quốc Mỹ có thể có những hành động phiêu lưu mới, có thể chúng sẽ đánh Trung - Hạ Lào và vùng giải phóng Đông Bắc Cam-pu-chia và chắc chắn sẽ đánh phá ác liệt tuyến đường Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị chỉ thị cho các chiến trường chuẩn bị sẵn sàng đánh địch trên hướng Đường 9, vùng ba biên giới và Đông Bắc Cam-pu-chia, thực hiện quyết tâm chiến lược: Phải đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch bảo vệ bằng được tuyến vận tải Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và cơ quan, kho tàng, làm thất bại hoàn toàn cuộc tiến công mùa khô của địch. Bộ Chính trị yêu cầu Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng xây dựng phương án tác chiến, tổ chức lực lượng mạnh để giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định về chiến lược.

 Cũng do nắm chắc âm mưu cơ bản của địch, trong quá trình thực hành chiến dịch, sau khi bẻ gãy các hướng tiến công dọc Đường 9 và khu vực phía Bắc, phía Tây và Đông Đường 9 của chúng(6), ta đã phán đoán đúng hai khả năng có thể xảy ra: Một là, địch ngoan cố tiếp tục tiến công lên Sê Pôn để cố thực hiện mục đích đã vạch ra hoặc với mục đích hạn chế hơn nhằm vớt vát ảnh hưởng về chính trị; hai là, địch chuyển xuống hướng Nam. Trong hai khả năng này ta nhấn mạnh khả năng thứ nhất, do đó đã có những biện pháp để tăng cường phòng thủ ở Sê Pôn, và thực tế đã diễn ra đúng như vậy, buộc địch phải điều chỉnh lại kế hoạch, từ bỏ âm mưu đánh chiếm Sê Pôn - mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc hành quân của chúng. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo chiến dịch sắc sảo của ta: Đã nắm vững và khoét sâu sai lầm của địch trong cuộc hành quân, chủ động đánh địch, khiến cho địch ngày càng bị động đối phó và thất bại. 

Bài học trên còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay. Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, Quân đội nhân dân phải nắm chắc, dự báo chính xác, đánh giá đúng tình hình, nhất là những diễn biến phức tạp liên quan, tác động đến QP-AN của đất nước. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, có biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển toàn diện đất nước. 

 Hai là, bài học về sự chủ động chuẩn bị chiến trường và phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng cơ động kết hợp với lực lượng tại chỗ, của các binh chủng, của ba thứ quân trong suốt quá trình thực hành chiến dịch.

Có thể khẳng định một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971 là ta đã chủ động tổ chức chiến trường, chuẩn bị lực lượng và hướng tiến công chiến lược.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo, nên ngay sau khi quân Mỹ vào tham chiến ở chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương phân định, tổ chức lại chiến trường, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến với đối tượng mới. Theo phương hướng đó, tháng 6-1966, Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (mật danh B5) phụ trách địa bàn từ Vĩ tuyến 17 đến Bắc sông Thạch Hãn, từ Cửa Việt đến Khe Sanh, Hướng Hóa. Đây là hướng tiến công quan trọng, một chiến trường đánh tiêu diệt, thu hút, giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn; tạo điều kiện cho các chiến trường khác tiến công địch, đặc biệt là vùng đồng bằng Trị - Thiên, đồng thời ngăn chặn chúng mở rộng chiến tranh trên bộ ra miền Bắc(7). 

Việc hình thành từ sớm một chiến trường có giá trị chiến lược đã cho phép quân và dân ta tổ chức các trận đánh lớn, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt nhiều đơn vị quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (Xuân Hè 1968 - hướng phối hợp quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968). Qua những trận đánh trên, bộ đội ta được rèn luyện về mọi mặt, nhất là thuộc địa bàn, thành thạo tác chiến ở địa hình rừng núi. 

Một trong những nét đặc sắc nhất về nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào - một chiến dịch mà ta đã sử dụng nhiều binh chủng kỹ thuật và thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn - là đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các binh chủng; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ trong suốt quá trình thực hành chiến dịch. Thực tiễn Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào cho thấy, việc tổ chức, chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch có quy mô lớn như thế phải thực hiện tốt các nội dung: Tổ chức hệ thống đường cơ động; trinh sát chiến trường tổ chức căn cứ hậu cần, kỹ thuật; dự trữ vật chất; bảo đảm hệ thống thông tin chỉ huy; xây dựng công sự trận địa vững chắc, v.v..

Vận dụng bài học này trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta phải coi trọng hơn nữa việc đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về chiều sâu theo Nghị quyết 28 - NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, tích cực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm, chiến lược, nhằm không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Trong quá trình xây dựng thế trận QP-AN phải coi trọng tính toàn diện, với yêu cầu sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi xảy ra chiến tranh xâm lược. Đặc biệt, phải coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT nhân dân (ba thứ quân), trước hết là Quân đội nhân dân, nhằm đảm bảo cho các lực lượng phát huy tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN

Ba là, bài học về xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh, đảm bảo cho những trận đánh then chốt, tiêu diệt lớn quân địch, giành thắng lợi quyết định.

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt chiến trường, còn phải có lực lượng mạnh (bao gồm lực lượng tại chỗ và chủ lực cơ động), đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược, chiến dịch đặt ra. Yêu cầu chiến lược đối với Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nhằm hai mục tiêu cơ bản: Vừa tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch, vừa bảo vệ vững chắc tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, chúng ta đã chủ động thực hiện tốt công tác xây dựng, tổ chức lực lượng, trước hết là lực lượng tại chỗ (Đoàn 559, B4, B5); đồng thời, xây dựng khối chủ lực, gồm: Các sư đoàn bộ binh có biên chế hỏa lực mạnh, phương tiện chiến đấu lớn, có khả năng cơ động cao. Ngay từ tháng 10-1970, ta đã thành lập Binh đoàn B70 - một dạng tổ chức quân đoàn binh chủng hợp thành, gồm 3 sư đoàn (304, 308, 320) và các trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng. Đến đầu năm 1971, nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng trên toàn Mặt trận Đường 9, ta hình thành tổ chức mới mang mật danh B702, với nòng cốt 5 sư đoàn chủ lực (304, 308, 320, 324, 2).

Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của các sư đoàn gắn liền với những chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong số 5 sư đoàn ta sử dụng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, có 3 đơn vị ra đời từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (304, 308, 320), 1 sư đoàn (324) ra đời tại chiến trường nóng bỏng Trị - Thiên và 1 sư đoàn (2) hình thành trên mảnh đất Khu 5 đi đầu diệt Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta sử dụng 5 sư đoàn trong một chiến dịch. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của chiến dịch này trong tính toán chiến lược của cả ta và đối phương. 

Sử dụng khối chủ lực mạnh, đánh những đòn tiêu diệt lớn, quyết định chiến cục của một chiến dịch mang tầm chiến lược, sự tính toán ấy của Bộ Thống soái tối cao đã đạt được mục tiêu đặt ra. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi, trong đó, vai trò khối chủ lực được khẳng định; đồng thời, cũng chứng tỏ sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa lực lượng chủ lực - cơ động với lực lượng tại chỗ. Thực tế chiến dịch cho thấy, lực lượng chủ lực - cơ động muốn tiến hành phản đột kích lớn và chuyển phản công sang tiến công phải dựa trên cơ sở lực lượng tại chỗ mạnh, đánh địch rộng khắp, tạo thế, tạo thời cơ. Lực lượng tại chỗ thuộc Đoàn 559, B4 và B5 góp phần quan trọng trong việc tiêu hao, ngăn chặn địch, đánh máy bay, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực cơ động đánh những trận tập trung tiêu diệt lớn quân địch. Nếu lực lượng tại chỗ của Đoàn 559, B4 và B5 không mạnh, chiến đấu không có hiệu quả, thì chủ lực cơ động từ xa đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chuẩn bị, tổ chức và thực hành chiến dịch, sẽ mất thời cơ diệt địch và Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào không thể giành được thắng lợi lớn.

 Có thể nói, vấn đề tổ chức lực lượng chủ lực cơ động chiến lược luôn là vấn đế cốt yếu trong suốt quá trình xây dựng quân đội. Hiện nay, chúng ta phải quán triệt và đẩy mạnh thực hiện xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định. Trong đó, tập trung đầu tư hiện đại hóa một số lực lượng quan trọng, mang tính cấp thiết như: Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh tổ chức lực lượng phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi, đủ khả năng khai thác và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật được giao. Trên cơ sở đó, không ngừng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. 

Bốn là, bài học về thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chiến đấu liên tục, dài ngày, ác liệt của các lực lượng tham gia chiến dịch.

Trong chiến tranh, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật là nhiệm vụ không thể thiếu, một nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971), chúng ta đã đưa vào chiến đấu một lực lượng lớn, tác chiến binh chủng hợp thành, đòi hỏi công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật phải được chuẩn bị, tổ chức chu đáo, vững chắc, trên các quy mô: Hậu cần các đơn vị chủ lực cơ động, hậu cần tại chỗ, hậu cần chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Thực tiễn chiến dịch cho thấy, chúng ta đã thực hiện rất tốt yêu cầu trên.

Từ cuối năm 1970, cùng với sự hình thành Binh đoàn 70, lực lượng bảo đảm hậu cần cũng được chấn chỉnh, tổ chức thành đơn vị cấp cục (Cục Hậu cần Binh đoàn, gồm các bộ phận tham mưu, chính trị, vận tải, quân nhu, quân y, quân giới, xăng xe và các đơn vị trực thuộc). Với tinh thần chủ động, cơ quan hậu cần - kỹ thuật đã nhanh chóng triển khai lập kế hoạch bảo đảm theo ý định tác chiến, tổ chức nghiên cứu chuẩn bị chiến trường ở khu vực Đường 9 - Bản Đông theo trục đường 16, hiệp đồng với Binh trạm 17 (Cục Vận tải) và Binh trạm 27 (Đoàn 559) để vận chuyển hàng từ binh trạm vào các cụm hậu cần chiến dịch. Quá trình chuẩn bị, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho chiến dịch phản công rất phức tạp, nhiều khó khăn và thực sự là một kỳ công. Song, với sự nỗ lực cao, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, bộ phận bảo đảm của nhiều đơn vị, cùng với thuận lợi địa bàn chiến dịch gần hậu phương lớn miền Bắc, chúng ta đã tạo được mạng lưới hậu cần - kỹ thuật liên hoàn, vững chắc. Chỉ trong thời gian ngắn (1-1971), ngành hậu cần - kỹ thuật đã dự trữ được lượng vật chất bảo đảm trên các hướng chiến dịch lên tới 6.385 tấn, đủ cho 3 đến 6 vạn quân tác chiến trong thời gian từ 4 đến 5 tháng(8).

Có thể nói, tuy đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta tổ chức một chiến dịch quy mô lớn, nhưng các đơn vị tham gia tác chiến đã được bảo đảm hậu cần - kỹ thuật đầy đủ, kịp thời, được bảo đảm cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật nhanh chóng, đạn dược đáp ứng đủ yêu cầu tác chiến, bộ đội ăn no, tỷ lệ quân số khỏe cao từ đầu đến cuối chiến dịch(9). Nhờ đó, đã duy trì sức mạnh chiến đấu cao của các lực lượng tham gia chiến dịch trong điều kiện tác chiến liên tục, ác liệt và dài ngày.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước hòa bình, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho quân đội có những thuận lợi cơ bản. Nhưng kinh nghiệm về công tác này được rút ra qua Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào vẫn rất hữu ích, trước hết là đối với ngành hậu cần, ngành kỹ thuật trong quân đội. Đặc biệt, cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, đi trước một bước, chuẩn bị chu đáo, kịp thời, vững chắc trong công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức hậu cần, kỹ thuật các cấp (cả chiến lược, chiến dịch, chiến đấu) ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân trong cả thời bình và thời chiến. 

Năm là, bài học về sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các chiến trường, đặc biệt là sự phối hợp chiến đấu giữa quân và dân Việt Nam - Lào, phát huy hiệu quả liên minh đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương.

Ngay từ khi địch có ý định và triển khai thực hiện kế hoạch hành quân trên ba hướng, trong đó tập trung lực lượng lớn cho cuộc “Hành quân Lam Sơn 719”, chúng ta đã kịp thời nắm, đánh giá chính xác tình hình và nhận định đúng: Địch đưa ra lực lượng tuyến ngoài thì ở tuyến trong sẽ bộc lộ sơ hở lớn, ta có điều kiện để đánh phá kế hoạch bình định của chúng. Do đó, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các chiến trường phải nhân cơ hội này, đẩy mạnh phong trào tiến công và nổi dậy, phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa các chiến trường.

 Ở Khu 5 và Tây Nguyên, ta đánh phá “bình định” có kết quả tốt; các chiến trường khác cũng đã đẩy mạnh được hoạt động phá lỏng, phá rã sự kìm kẹp của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt, quân và dân chiến trường Tây Nguyên đã phối hợp nhịp nhàng với Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, bẻ gãy cuộc hành quân ra vùng Phi Ha của địch.

Ở Cam-pu-chia, ta đã phối hợp tốt với bạn, làm thất bại cuộc “Hành quân Toàn Thắng 1-71” của địch ở khu vực Công Pông Chàm, đập tan ý đồ của địch hành quân lên Cra-chi-ê, buộc chúng phải lui về củng cố tuyến Đường 7. Tại đây, địch đã không thực hiện được âm mưu đánh vào vùng căn cứ, phá hoại hậu phương của ta, trái lại còn bị ta diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Trên chiến trường Lào, ta đã cùng với LLVT của bạn đẩy mạnh hoạt động tác chiến, thực hành tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; giải phóng được một số vùng thuộc phía Đông cao nguyên Bô-lô-ven, Bắc Luông Phra-băng và ở Cánh Đồng Chum; đặc biệt, đánh bại hoàn toàn cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” sang khu vực Đường 9 - Nam Lào.

Thực hiện phương châm chiến lược “Đông Dương là một chiến trường”, “chung chiến hào đánh Mỹ”, các lực lượng cách mạng trên ba chiến trường Nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong mọi hoạt động, tạo điều kiện cho nhau và cùng nhau giành thắng lợi to lớn. 

Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là minh chứng cho sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị bộ đội Việt Nam với các đơn vị bộ đội Pa-thét Lào thuộc Quân khu Nam Lào. Ta và Bạn đã sát cánh chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch hòng chiếm Sê Pôn - mục tiêu then chốt của cuộc “Hành quân Lam Sơn 719”. Thắng lợi trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào là chiến công chung, thấm đẫm tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào. Đó chính là ý nghĩa quốc tế to lớn của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971.

 Liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương Việt - Lào - Cam-pu-chia trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, là di sản lịch sử quý báu góp phần quan trọng vào việc hình thành, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt trong sáng, thủy chung giữa ba dân tộc. Ngày nay, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải tiếp tục gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ đoàn kết quốc tế đó lên tầm cao mới, vì sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và sự trường tồn của mỗi dân tộc trên Bán đảo Đông Dương. 

Hội thảo khoa học về Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào lần này, chúng ta cần tập trung đi sâu tìm hiểu, phân tích, luận giải những vấn đề mới, nhất là loại hình chiến dịch phản công làm cơ sở cho việc vận dụng trong xây dựng các phương án, kế hoạch, tổ chức lực lượng, huấn luyện… đáp ứng yêu cầu tác chiến mới của quân đội nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

______________

Tài liệu tham khảo:

(1)- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 34, Nxb CTQG, H.2004, tr. 217.

(2)- Ý đồ của Mỹ trong việc mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương là nhằm cô lập đi tới bóp nghẹt cuộc kháng chiến của quân và dân ta trên chiến trường chính miền Nam. Để thực hiện ý đồ đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở 3 cuộc tiến công, gồm: Toàn Thắng 1/71 đánh sang Đông Bắc Cam-pu-chia, Quang Trung 4 đánh sang vùng 3 biên giới (Bắc Tây Nguyên-Tà Xẻng, Pa Kha, Sê Sụ (Atôpơ-Lào)) và Lam Sơn 719 đánh sang khu vực đường số 9 - Nam Lào. Trong 3 cuộc tiến công nói trên, Lam Sơn 719 được xác định là trọng điểm, diễn ra trên địa bàn rộng, gồm tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và tỉnh Xa-vẳn-na-khệt (Lào), nhằm mục tiêu chủ yếu là chặt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta ở khu vực Đường 9 từ Bản Đông qua Sê Pôn, Mường Phìn đến Pha Lan.

(3)- Lực lượng địch lúc cao nhất (10-3-1971) lên tới 55 nghìn quân, gồm có 15 trung đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến, 3 lữ đoàn thiết giáp (587 xe tăng, xe bọc thép), 21 tiểu đoàn pháo binh (318 khẩu), 1000 máy bay các loại... Ngoài ra, còn có khoảng 9 tiểu đoàn bộ binh thuộc 2 binh đoàn cơ động ngụy Lào (GM 31, GM 33) tham gia phối hợp đánh ra vùng Mường Noọng, Mường Phìn ở phía Tây Đường 9.

(4)- Bốn giai đoạn: Từ ngày 30-1 đến 7-2-1971, chiếm lĩnh bàn đạp, xuất phát tiến công; từ ngày 8 đến 12-2-1971, đánh chiếm các mục tiêu Bản Đông - Sê Pôn; từ ngày 15-2 đến 12-3-1971, đánh phá các kho tàng ở các khu vực Sê Pôn - Bản Đông; từ 13-3 đến đầu tháng 5-1971, chuyển hướng đánh phá các kho tàng ở phía Nam Sa Đê, Mường Noọng, A Túc, A Sầu, A Lưới (Trị Thiên).

(5)- Theo quyết định số 51/QĐ-QP, ngày 4-2-1971, về thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào của Bộ Quốc phòng: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy, Đại tá Cao Văn Khánh làm Phó tư lệnh, Đại tá Phạm Hồng Sơn làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Đại tá Hoàng Phương làm Phó chính ủy. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Đường 9.

(6)- Trong tuần đầu của chiến dịch: Từ ngày 8 đến 14-2-1971.

(7)- Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (1966-1973), Nxb QĐND, H.2001, tr.30.

(8)- Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II (1954-1975), Nxb QĐND, H.1999, tr.396-397.

(9)- Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr. 400.