Chiến dịch Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy và tầm nhìn của Tổng hành dinh Hà Nội

Theo Trianlietsi.vn

Từ đầu năm 1970, dự kiến âm mưu mới của đế quốc Mỹ trong thế bị động chiến lược ở Miền Nam Việt Nam, hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phối hợp với quân đội Pa-thét Lào và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia trong tình huống địch mở rộng chiến tranh ra 3 nước Đông Dương. Tin tình báo chiến lược cho biết, qua bản kế hoạch được ký kết giữa Mỹ và Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn tháng 2/1970, ngoài việc phong tỏa cảng biển, đưa bộ binh sang Lào và Cam-pu-chia, có nhiều khả năng địch mở các cuộc tiến công vào căn cứ, hành lang vận chuyển của ta và cũng không loại trừ tình huống địch tiến công ra miền Nam khu 4 (1). Các nguồn tin tình báo thường lưu ý Tổng hành dinh về yêu cầu bảo vệ đường vận chuyển chiến lược 559.

 Chiến dịch Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy và tầm nhìn của Tổng hành dinh Hà Nội
Máy bay trực thăng, xe thiết giáp địch bị diệt ở Bản Đông trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh tư liệu)

Vấn đề đặt ra với các cơ quan tham mưu, chính trị và hậu cần Tổng hành dinh là khẩn trương chuẩn bị để đi trước địch một bước có ý nghĩa chiến lược khi Mỹ-ngụy triển khai kế hoạch trên đây.

Trung tuần tháng 3/1970, trong lúc Xi-ha-núc sang Pháp, tin tức về hàng loạt sự kiện diễn ra trên đất Cam-pu-chia khiến Tổng hành dinh tập trung chỉ đạo mạng lưới tình báo chiến lược ở Miền Nam và trên đất Cam-pu-chia chú ý bám sát âm mưu mới của địch (2). Cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ Xi-ha-núc là một sự kiện quan trọng, mở đường cho quân Mỹ tiến vào đất Chùa Tháp, tạo điều kiện để Oa-sinh-tơn hợp pháp hóa chính quyền Lon-non, liên kết quân đội tay sai trên ba nước Đông Dương, cắt đường vận chuyển của ta từ Cam-pu-chia sang Miền Nam Việt Nam đồng thời cũng làm tăng thêm khả năng Mỹ sẽ tập trung không quân đánh phá đường chiến lược 559 hòng cô lập chiến trường Miền Nam.

Sau khi có tin đảo chính, Bộ Chính trị họp và nhận định: Cuộc phiêu lưu này là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của đế quốc Mỹ. Thống nhất với nhận định của Trung ương cục Miền Nam, Bộ Chính trị cho rằng trước mắt ta có thể gặp khó khăn trong việc chi viện chiến trường, nhưng nếu ta biết tương kế tựu kế khoét sâu sai lầm của địch thì tình hình sẽ dẫn đến một thời cơ có lợi cho ta, bất lợi cho địch.

Từ cuối tháng 3, theo đề nghị của lực lượng cách mạng Cam-pu-chia, quân ta giúp bạn tiến công địch ở một số nơi nhằm mở rộng khu căn cứ. Trong khi đó, trên đất Lào, Mặt trận Trung Hạ Lào được thành lập, sẵn sàng phối hợp với bạn và với Bộ Tư lệnh 559 bảo vệ Đường Hồ Chí Minh. Tổng hành dinh điều thêm lực lượng công binh vào để khẩn trương mở thêm đường mới nhằm phục vụ cho việc chuyển quân, nhất là các trang bị nặng.

Hạ tuần tháng 6, trong lúc đài nước ngoài dồn dập đưa tin về việc Mỹ lui quân khỏi đất Cam-pu-chia thì có tin tình báo báo cáo về khả năng địch tiến công ra Đường 559 (có thể là vùng La Hạp - Bản Đông) và vùng ba biên giới (có thể là A-tô-pơ). Cùng với chỉ thị “dự báo” sẵn sàng chiến đấu cho các chiến trường, nhất là lực lượng trên đường 559, cơ quan tham mưu cùng với các tổng cục bạn trong Tổng hành dinh triển khai hàng loạt nhiệm vụ mới đã từng dự kiến: Nghiên cứu phương án tác chiến, thiết bị chiến trường, chuẩn bị kế hoạch điều động binh lực và cơ sở vật chất sẵn sàng “lót ổ” trên các hướng chiến dịch – chiến lược.

Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Thống soái đối với cơ quan tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô này trên địa bàn Đường 9 - Bắc Quảng Trị là: Trong bất kỳ tình huống nào, việc giữ vững hành lang Trung Hạ Lào phải được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở dự kiến: nếu địch đánh ra Trung Hạ Lào, ngoài hỏa lực và một bộ phận (không lớn) quân trên bộ của Mỹ, địch có thể huy động hơn 20 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, hơn 10 tiểu đoàn quân đội tay sai Lào và khoảng 1-2 trung đoàn Thái Lan ở phía sau. Nhiệm vụ bảo vệ đường vận chuyển chiến lược, đồng thời cũng là nhiệm vụ đánh bại một bước cơ bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ, đòi hỏi kế hoạch tác chiến phải thể hiện quyết tâm giữ vững một số khu vực trên Đường 9. Yêu cầu cụ thể đặt ra là phải làm thất bại ý đồ của địch đánh chiếm Sê-pôn - Mường Phìn – Pha Lan – Keng Kọc.

Do tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam trong mùa khô này, Bộ Thống soái giao cho Bộ Tổng tham mưu nhiệm vụ chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt và trực tiếp điều hành chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược sắp tới.

Quá trình từng bước bổ sung và thông qua kế hoạch tác chiến cũng là quá trình Tổng hành dinh chỉ đạo tổ chức và triển khai binh lực. Dự kiến không gian và quy mô chiến dịch phản công sắp tới sẽ rất rộng lớn, Bộ Thống soái chuẩn y kế hoạch của tham mưu tổ chức bộ đội chủ lực trên cấp sư đoàn. Binh đoàn 70 ra đời (gồm ba sư đoàn bộ binh thiện chiến 304, 308, 320) nói lên tầm nhìn chiến lược của Bộ Thống soái tối cao về phương hướng phát triển quy mô tác chiến ngày càng lớn trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một số cán bộ trung cao cấp của Tổng hành dinh được chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng ra tiền tuyến.

Để sự chỉ đạo chỉ huy của Tổng hành dinh được sát với các Bộ Tư lệnh các mặt trận, mấy tháng cuối năm 1970, nhiều phái viên của Tổng hành dinh được cử vào các Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5 và Binh đoàn 559, vừa để truyền đạt nhận định và quyết tâm chiến lược của Bộ Thống soái, thông báo dự kiến điều động binh lực của Bộ trên địa bàn, vừa để nắm dự kiến phương hướng tác chiến của các chiến trường. Riêng các Mặt trận Khu 5 và Tây Nguyên được lệnh kịp thời phối hợp tác chiến khi địch đánh ra hành lang 559 ở Hạ Lào.

Trung tuần tháng 12/1970, trước những triệu chứng địch khẩn trương chuẩn bị hoạt động trên hướng Đường 9 và Nam Khu 4, trong thông báo gửi các Bộ Tư lệnh Binh đoàn 70, Mặt trận Đông Đường 9 và Quân khu 4, Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh nhiệm vụ theo dõi hoạt động trinh sát đường không và vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở hướng Đông Hà và chỉ thị điều động ngay lực lượng vào chiếm lĩnh, triển khai thế trận ở Bắc Khe Sanh, xây dựng căn cứ đứng chân lâu dài sẵn sàng đánh địch bảo vệ hành lang vận chuyển trên Đường 16.

Ngày 31/1/1971, đài phát thanh nước ngoài đưa tin chừng một trung đoàn bộ binh cơ giới của Mỹ mở cuộc hành binh mang tên Dewey Canion II, càn quét phía Nam khu phi quân sự. Dựa vào tin tình báo mới nhất do cơ quan tham mưu tổng hợp, hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Dewey Canion II cùng với các cuộc hành binh trước đó (Toàn thắng 1/71 đánh sang hướng Đông Bắc Cam-pu-chia, Quang Trung 4 đánh ra vùng ba biên giới) hồi trung tuần tháng 1, đều nhằm đánh lạc hướng, chuẩn bị phục vụ cho chiến dịch lớn tiến công ra Đường 9 - Nam Lào hòng cắt ngang đường vận chuyển chiến lược của ta. Trên cơ sở kế hoạch tác chiến đã dự kiến, Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 70 chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đồng thời lệnh cho các chiến trường phía Nam tranh thủ thời cơ địch sơ hở đẩy mạnh tiến công và đánh phá bình định, tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với chiến trường chính.

Trong cuộc họp ngày 6/2 (nghe báo cáo tình hình và cho ý kiến về nhiệm vụ Mặt trận Đường 9 mà trọng tâm là kế hoạch phản công trên hướng Đường 9 – Nam Lào), Quân ủy Trung ương dự kiến hai khả năng: Hoặc địch có thể lui quân sau vài ba tuần đến một tháng, hoặc chúng có thể chốt lại khu vực Lao Bảo – Khe Sanh – Tà Cơn – Tam Tanh một thời gian dài để ngăn chặn kế hoạch vận chuyển mùa khô của ta. Quân ủy thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến ba bước do Cục Tác chiến dự thảo: 1) đánh địch hành quân vượt biên giới; 2) nếu địch co cụm hoặc rút lui, ta sẽ vây ép đi đến tiêu diệt các điểm co cụm của địch; 3) tùy tình hình, sẽ phát triển tiến công trên hai hướng tây Quảng Trị và Keng Kọc.

Do dự kiến chiến dịch phản công có thể diễn ra trên diện rộng, quy mô lớn ngoài khả năng đảm nhiệm của Binh đoàn 70, ngày 8/2, Bộ Thống soái quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận 702, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận 702 (còn gọi là Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9) (3). Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được Bộ Thống soái cử làm đại diện Quân ủy Trung ương tại Mặt trận.

*Ngày 8-2, quân đội Sài Gòn được hỏa lực Mỹ yểm trợ vượt biên giới Việt – Lào bắt đầu cuộc hành binh mang tên Lam Sơn 719. Cùng ngày, tại cuộc họp giao ban về tình hình chiến sự Đường 9 – Nam Lào, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp nhắc lại nhận định trước đây của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về tình hình và nhiệm vụ quân sự năm 1971 có quan hệ trực tiếp tới cục diện chiến trường Đường 9 lúc này. Đại tướng chỉ rõ: Thực tế cuộc hành binh của địch đang chứng minh dự kiến chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về những hành động phiêu lưu mới của Nhà trắng và Lầu năm góc. Ta đã từng phán đoán Mỹ có thể tiến quân sang Cam-pu-chia, có thể đánh vào hành lang vận chuyển chiến lược 559 và cũng có thể mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc. Cùng với nhận định đó, từ rất sớm Tổng hành dinh đã chỉ đạo chuẩn bị chiến dịch này, nhằm tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ-ngụy, bảo vệ đường chi viện tiền tuyến, chỉ đạo phối hợp giữa các chiến trường nhằm đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai. Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi ta phải có quyết tâm rất lớn, phải đánh thắng. Thắng lợi của chiến dịch không những ảnh hưởng quan trọng đối với chiến trường Miền Nam cả về quân sự và chính trị mà còn ảnh hưởng đến các chiến trường toàn Đông Dương, không những ảnh hưởng đối với Mỹ - ngụy ở Miền Nam mà còn tác động đến tình hình chính trị nước Mỹ và quan hệ trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Miền Bắc.

Đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương phân tích chỗ mạnh chỗ yếu của địch, những thuận lợi khó khăn của ta và khẳng định quyết tâm của Tổng hành dinh là kiên quyết giành thắng lợi trong chiến dịch này. Sau khi nhắc lại nhiệm vụ của các cơ quan Tổng hành dinh, của các đơn vị phía trước và của hậu phương lớn, đồng chí Võ Nguyên Giáp kết luận: Thời kỳ khẩn trương này là một dịp để chúng ta tiêu diệt địch đồng thời qua đó mà rèn luyện cơ quan, đơn vị, nâng cao chất lượng công tác và chiến đấu của toàn quân.

Trong chỉ thị đề ngày 9/2/1971 gửi bộ đội toàn Mặt trận 702 nhan đề "Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giành thắng lợi trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào", Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Cần phải quán triệt tình hình và nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng và yêu cầu của chiến dịch phản công, không ngừng củng cố quyết tâm chiến đấu, góp phần làm thất bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của đế quốc Mỹ. Hôm sau, trong chỉ thị bổ sung gửi các cấp chỉ huy, Quân ủy Trung ương phân tích cụ thể tình hình diễn biến mấy ngày đầu cuộc hành binh của địch và chỉ rõ: Do địch mở cuộc hành quân quy mô lớn, trên diện rộng, diễn biến có thể phức tạp, cho nên trong chỉ đạo tác chiến cần phải phát huy sức mạnh tiến công của các đơn vị, các binh chủng; nắm vững phương châm tác chiến kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn. Cụ thể là phải biết đánh nhỏ, đánh vừa, tiêu diệt rộng rãi và liên tục từng bộ phận quân địch, đồng thời phải tạo điều kiện để đánh những trận tiêu diệt từng đơn vị lớn của chúng. Có như vậy mới tranh thủ được thời gian, mới tạo được cơ hội và kịp thời nắm cơ hội giành thắng lợi lớn cho chiến dịch.

Sau một tuần theo dõi diễn biến trên chiến trường chính và các chiến trường phối hợp, ngày 14/2, Bộ Tổng tham mưu gửi điện bổ sung, chỉ đạo riêng Quân khu Trị Thiên và Bộ Tư lệnh 559 về nhiệm vụ tác chiến phối hợp trực tiếp với Mặt trận Đường 9. Sau khi nhận định, quân ta đã giành được thắng lợi bước đầu, đã tạo được thế có lợi chuẩn bị cho những trận đánh tiêu diệt lớn hơn, Bộ Tổng tham mưu chỉ rõ: Để phối hợp đắc lực với chiến trường Đường 9, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động ở đồng bằng, giáp ranh, tác chiến bảo vệ vận chuyển, kho tàng, chủ lực của Trị Thiên cần trực tiếp tham gia tác chiến trên Đường 9. Riêng Bộ Tư lệnh 559 cần chỉ đạo bảo đảm vật chất cho Bộ Tư lệnh nhẹ của Sư đoàn 324 (của Khu 4) và Sư đoàn 2 (của Khu 5), tổ chức hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng tại chỗ của Đoàn 559.

Từ thực tế chiến trường sau gần một tháng chiến đấu, ngày 2/3/1971, Thường vụ Quân ủy Trung ương điện bổ sung về phương hướng chỉ đạo chỉ huy sắp tới của Bộ Tư lệnh 702. Sau khi khẳng định quyết tâm nhất thiết phải giành thắng lợi trong chiến dịch quan trọng này, bức điện nhấn mạnh: Sự chỉ đạo tác chiến, việc sử dụng lực lượng, động viên chính trị cũng như các mặt công tác khác đều phải bảo đảm đánh địch và thắng địch trong một thời gian dài, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Sự chỉ đạo của các cấp ủy phải quán triệt phương châm nói trên, kiên quyết và vững chắc, táo bạo khi cần thiết, cơ động linh hoạt, đánh địch và thắng địch trong một thời gian tương đối dài, đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch trong trường hợp chúng rút sớm. Quân ủy chỉ rõ: Cuộc chiến đấu càng kéo dài trên chiến trường này thì cơ hội của ta càng lớn, ta có điều kiện tiêu diệt địch đồng thời giữ được địch trong thế phân tán và sơ hở về chiến lược, tạo điều kiện để các chiến trường nội tuyến, nông thôn cũng như thành thị, kết hợp tiến công và nổi dậy, đập tan một bước quan trọng âm mưu bình định của địch. Đó là ý nghĩa quan trọng của chiến dịch đối với cục diện chung của cuộc kháng chiến. Thường vụ Quân ủy xác định 4 nội dung thắng lợi của chiến dịch này: 1- Tiêu diệt nhiều sinh lực địch đi đôi với rèn luyện và củng cố lực lượng ta; 2- Giữ vững được tuyến vận chuyển chiến lược; 3- Hậu phương lớn Miền Bắc đủ sức mạnh đập tan mọi hành động phiêu lưu của địch; 4- Phối hợp với các chiến trường và tạo điều kiện tốt cho các chiến trường vừa tiêu diệt địch vừa đánh bại kế hoạch bình định của chúng. Sau khi chỉ rõ yêu cầu chỉ đạo tác chiến chiến dịch, về sử dụng và bố trí lực lượng, chỉ đạo công tác hậu cần, công tác chính trị trong những ngày tới, Thường vụ Quân ủy nhắc Bộ Tư lệnh 702 cần nhanh chóng rút kinh nghiệm để kịp thời phát triển cách đánh của ta cả về kỹ thuật và chiến thuật, Riêng bộ đội B5 cần kết hợp hai nhiệm vụ tiến công quân sự đi đôi với đẩy mạnh công tác phá bình định, vận động nhân dân, phát triển lực lượng mọi mặt trong địa phương.

Hôm sau, trong thông báo tình hình chiến sự Đường 9 tại hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận xét: Ngay từ đầu chiến dịch, cùng với kết quả tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch (nhất là phương tiện cơ động đường không), ta đã làm thất bại nhiều thủ đoạn chiến thuật của địch, như chiến thuật vận động, đổ bộ bằng trực thăng hay chiến thuật phòng ngự từng tiểu đoàn trong công sự dã chiến …Thực tế chiến đấu đã chứng minh và khẳng định kết quả công tác huấn luyện vừa qua, nhất là đợt tập huấn cán bộ năm 1970. Trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ có nhiều tiến bộ, hiệu suất chiến đấu của bộ đội được nâng lên rõ rệt, là nguyên nhân khiến cho nhiều cách đánh của ta được phát triển, như đánh xe tăng ban ngày, đánh cơ giới địch vận động, tiến công căn cứ hậu cần của địch bằng pháo binh và đặc công có hiệu quả và ta thương vong ít. Tuy nhiên, quân ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa vì thắng lợi chưa đều khắp, có đơn vị đánh chưa tốt, có trận tiêu diệt chưa gọn.

Sau khi nói về âm mưu và sự cố gắng mới của địch trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào, về phương hướng nhiệm vụ của bộ đội ở phía trước và của các cơ quan Tổng hành dinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp kết luận: “Tóm lại, vừa qua ta thắng lớn nhưng mới chỉ là bước đầu. Bộ đội đang đứng trước thời cơ thuận lợi, phải cố gắng rất lớn để giành toàn thắng cho chiến dịch này…”.

Trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Cuộc hành binh Lam Sơn 719 đầy tham vọng của Mỹ-ngụy bị đánh bại hoàn toàn. Ngày 28/3, Bộ Tư lệnh 702 tổ chức hội nghị sơ kết chiến dịch. Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng đã dự và phát biểu tại hội nghị.

Sau khi nói về ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch, đồng chí Văn Tiến Dũng phân tích từng đặc điểm và tính chất của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào: 1- Ta chủ động từ đầu đến cuối chiến dịch; 2- Chiến dịch thể hiện khả năng đánh tiêu diệt của bộ đội khá cao; 3 - Hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị, các binh chủng trong chiến dịch đạt trình độ rất cao và toàn diện; 4 - Chiến dịch mang tính chất chiến lược.

Về mặt thiếu sót của chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng nêu lên mấy vấn đề cụ thể về tổ chức chỉ huy ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chiến dịch: 1 - Trong bao vây chiến dịch, ta đã để lỡ thời cơ tiêu diệt hai lữ đoàn dù và thiết giáp địch sau khi tiến công vào Bản Đông, đặc biệt là để một lực lượng nòng cốt là số sĩ quan ngụy chạy thoát; 2 - Việc nắm tình hình còn chậm, còn qua nhiều khâu trung gian; 3 - Thông tin chậm và không vững chắc, trinh sát mặt đất quá yếu. Việc mã và giải mã các bức điện quá chậm.

Từ thực tế kết quả chiến dịch, Tổng tham mưu trưởng lưu ý một vấn đề về phương hướng xây dựng lực lượng sắp tới: Quân ta đã tiêu diệt được chủ lực ngụy quy mô lớn (có không quân Mỹ chi viện tác chiến mức độ cao nhất), điều đó khẳng định việc xây dựng lực lượng vũ trang của ta cả về phương hướng tổ chức, trang bị, huấn luyện chiến thuật và kỹ thuật và các mặt khác đều chính xác, đúng đắn. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề mà các cơ quan Tổng hành dinh cần nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm và rút ra những kết luận để xây dựng cho phù hợp hơn nhằm nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của bộ đội.

     ***

Thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào không những làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ chia cắt chiến trường ba nước Đông Dương, âm mưu phá tận gốc đường vận chuyển chiến lược Bắc – Nam của ta, mà còn góp phần quyết định làm thất bại một bước nghiêm trọng chủ trương thử nghiệm công thức tiêu biểu của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh": Bộ binh quân đội Sài Gòn, hỏa lực và hậu cần của Mỹ.

Thực tế thắng lợi của ta trong Đông – Xuân 1970-1971 cho phép khẳng định: Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi to lớn đó, nhất là thắng lợi của chiến dịch phản công làm thất bại cuộc hành binh Lam Sơn 719 của địch trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào - là tầm nhìn chiến lược, dự kiến chính xác và tinh thần chủ động trong chỉ đạo của Bộ Thống soái. Các cơ quan Tổng hành dinh – trong đó có hệ thống tình báo chiến lược – đã tạo điều kiện để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phán đoán đúng, dự kiến sớm, chủ động chuẩn bị và chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, toàn diện trong từng bước chuẩn bị cũng như trong suốt quá trình diễn biến của chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược quan trọng này.

-------------------------------------

(1) Trước đó, từ mùa hè năm 1969, Tổng hành dinh đã từng dự kiến khả năng Mỹ đánh phá trở lại Miền Bắc và không loại trừ khả năng chúng mở rộng chiến sự sang đất Cam-pu-chia và Lào... Những phán đoán trên đây của Tổng hành dinh và sau đó là của các nguồn tình báo được chứng minh trước hết bằng cuộc hành binh lớn của quân Mỹ vào khu “Lưỡi câu” (thuộc Kongpongcham) và cuộc hành binh của quân đội Sài Gòn vào khu vực “Mỏ vẹt” (thuộc tỉnh Svây-riêng) cuối tháng 4/1970. Mục đích chiến lược của các cuộc hành binh này là nhằm tiêu diệt cơ quan chỉ đạo kháng chiến, phá cơ sở hậu cần của ta ở Miền Nam, cắt đứt đường vận chuyển Bắc-Nam qua đất Cam-pu-chia, làm thất bại công cuộc chuẩn bị đánh lớn của ta trên chiến trường Nam Bộ, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia, xóa bỏ nền trung lập của Cam-pu-chia. Tổng hành dinh đã kịp thời chỉ đạo Bộ Tư lệnh Miền Nam phối hợp với bạn tranh thủ thời cơ mở rộng vùng giải phóng phía sau trên đất Cam-pu-chia, làm thất bại âm mưu mới của địch.

(2) Ngày 12/3, Chính phủ Cam-pu-chia đơn phương hủy bỏ hiệp định thương mại đã ký với ta và đóng cửa cảng Kongpongchom (Sihanouk-ville); ngày 13, Lon-non gửi tối hậu thư đòi lực lượng của ta phải rút hết Cam-pu-chia trong vòng 48 giờ; ngày 15, Bộ Tham mưu Cam-pu-chia yêu cầu quân đội Sài Gòn pháo kích sang các vùng chúng nghi là nơi đóng quân của ta trên đất bạn; ngày 18, Lon-non làm đảo chính lật đổ Sihanouk….

(3) Bộ Tư lệnh Mặt trận 702 gồm: Tư lệnh trưởng: Lê Trọng Tấn; Chính ủy: Lê Quang Đạo; Phó Tư lệnh: Cao Văn Khánh (đồng thời là Tư lệnh Binh đoàn 70), Phó Chính ủy: Hoàng Phương. Các lực lượng dưới quyền chỉ huy của Mặt trận 702 gồm các đơn vị thuộc Binh đoàn 70, Khu 4, Khu 5 và các đơn vị thuộc Đoàn 559 đang hoạt động trên Mặt trận Đường 9. Nhiệm vụ trực tiếp trước mắt của Mặt trận 702 là thực hành chiến dịch phản công trên toàn Mặt trận Đường 9 – Nam Lào.