Đoàn nữ dân công hỏa tuyến
Dân công hỏa tuyến cũng phải hy sinh, mất mát không thua gì người trực tiếp cầm súng ra trận. Những năm 1970, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt. Mỹ leo thang đánh bom miền Bắc. Đại đội dân công hỏa tuyến C7 ra đời, đảm nhiệm công việc đầy khó khăn, thử thách là chi viện cho chiến trường Bắc Quảng Trị.
Nữ dân công hỏa tuyến
“Đại đội dân công hỏa tuyến C7 huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tiếp tế đạn dược, thuốc men cho chiến trường mà trực tiếp là mặt trận B5 (Nam Lào). Để có những hòm đạn ra mặt trận, lực lượng dân công đã hy sinh, mất mát không thua kém những người cầm súng chiến đấu tại mặt trận”. Đó là lời kể của ông Hà Xuân Định, Chính trị viên Đại đội dân công hỏa tuyến mặt trận B5.
Ông Định kể tiếp: Hồi đó, mặt trận đang cần gấp lực lượng dân công gan dạ để phục vụ đạn pháo trực tiếp cho chiến trường Quảng Trị, còn gọi là mặt trận B5. Tải thương binh, tử sĩ lui về tuyến sau cũng cần những con người gan dạ. Hàng trăm thanh niên ưu tú trên khắp địa bàn huyện Quảng Ninh được huy động, kết hợp với dân công hỏa tuyến ở Lệ Thủy được tuyển chọn để ra trận.
Tháng 2/1971, gần 200 thanh niên trên khắp các xã thuộc huyện Quảng Ninh ghi tên mình tăng cường cho mặt trận. Trong đoàn quân năm ấy có 60 nữ thanh niên xung phong, trong đó 11 đồng chí là đảng viên. Có người chưa đến độ tuổi nhập ngũ, nhưng vẫn tự nguyện viết đơn xin được ra đi.
Nhiệm vụ đầu tiên của dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ là tiếp tế đạn trực tiếp cho chiến trường, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch. Đó là các mặt trận cứ điểm 544, đồn Đồng Toàn ở phía Nam Lào.
Riêng đoàn dân công Quảng Bình phục vụ vận chuyển đã đạt 135% kế hoạch đề ra. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu như Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy liên tục vận chuyển gạo, đạn, tải thương phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, sau đợt phục vụ chiến dịch, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch) thường xuyên gùi hàng với mỗi chuyến 100 kg; đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao. Chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn – Thanh Hóa) chở mỗi chuyến trên 500 kg… Những chiến công của lực lượng dân công hỏa tuyến các địa phương Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào kết thúc thắng lợi, những dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các chiến sĩ gùi thồ của Việt Nam – Lào tự hào vì đã có những đóng góp xứng đáng cùng lực lượng bộ đội chủ lực cơ động, bộ đội địa phương làm nên chiến thắng.
Những đóng góp công sức, tiếp tế kịp thời của dân công hoả tuyến góp phần đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 Đường 9 Nam Lào của 4,5 vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chúng ta đã quét hết quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ra khỏi đường 9, giữ vững hành lang chiến lược Đông Dương, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Quảng Trị.
Voi chiến trường
Không giấu được niềm tự hào, ông Định nói: Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ hiểm nguy ấy, có người đã lập nên những kỳ tích vang dội trên dãy Trường Sơn. Bác Võ Thị Gái là nữ chiến sĩ được mệnh danh là “voi chiến trường”. Một mình bác vác hơn 70 kg đạn ĐKZ.
Không chỉ nổi tiếng với biệt danh này, bác Gái còn nổi tiếng là nữ dân công gan lì chẳng thua kém những chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu. Có lần đang giao tranh ác liệt, một chiến sĩ quân ta bị trúng đạn gục ngã. Bác Gái đã băng ra đưa chiến sĩ ấy lùi về tuyến sau. Cũng vì sự gan lì đó mà nhiều lần tính mạng bác cận kề cái chết.
Đường Trường Sơn cao chất ngất, khúc khuỷu dẫn vào chiến trường Nam Lào, nhờ kỷ luật thép nên không bị địch phát hiện. Những viên đạn pháo do dân công hỏa tuyến tải vào vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối phục vụ chiến trường.
Do chiến trường ở mặt trận B5 lúc đó giằng co ác liệt, tổn thất mất mát lớn nên cấp trên hạ lệnh cho Đại đội dân công hỏa tuyến C7 tạm rút để ổn định tình hình, mở đợt phản kích mới. Khi rút lui, đơn vị gặp phải sự phản công điên cuồng của địch không thua kém khi đi vào nên không tránh khỏi thương vong.
Nhiều người trong đoàn dân công bị nhiễm chất độc da cam, mang nặng nỗi đau lâu dài trên thân thể và di chứng cho con cháu bây giờ. Với những thành tích tại chiến trường, Đại đội dân công hỏa tuyến C7 được mặt trận chiến trường B5 trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba .
Những người dân công hỏa tuyến năm xưa nay đã thành ông, thành bà. Mỗi người mỗi công việc, những lúc rảnh rỗi họ thường ôn lại những câu chuyện về đồng đội, chiến trường và những tháng năm không thể quên trên dãy Trường Sơn năm xưa. Ký ức của một thời máu lửa thật sự khó phai mờ.