Đường 9 năm xưa, Đường 9 hôm nay

Theo Quân đội Nhân dân

Những ngày cuối của Tháng 11, con đường 9 máu lửa của 40 năm trước lại được đón bước chân các cựu chiến binh Việt Nam, Lào-những người đã góp phần làm nên chiến thắng Đường 9-Nam Lào lừng lẫy, trở lại thăm chiến trường xưa. Chuyến đi ý nghĩa này là một phần trong chương trình Hội thảo “Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971, tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử”, do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức, từ 28 đến 30-11...

Đường 9 năm xưa, Đường 9 hôm nay

Đường 9 năm xưa

Về mảnh đất Quảng Trị đau thương mà anh dũng, can trường, bất khuất trong chiến tranh; đến viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, các đại biểu dự Hội thảo, đặc biệt là các cựu chiến binh đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, đều không khỏi nghẹn ngào xúc động, tự hào, khi nhớ về một sự kiện lịch sử mang tên “Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào”, cách đây đã 40 năm…

Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào diễn ra trong hơn 50 ngày đêm (từ 31-1 đến 23-3-1971). Trước đó, ngay trong năm 1970, khi địch đánh sang Cam-pu-chia, Bộ Chính trị đã nhận định địch sẽ còn tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới trong thời gian tới . Quyết tâm của ta là nhất thiết phải bảo vệ bằng được đường mòn Hồ Chí Minh, phải chuẩn bị sẵn sàng để đánh địch trên các hướng. Khi địch bắt đầu mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9-Nam Lào. Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy Trung ương nhất thiết phải thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược.

Trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào có Binh đoàn 70, Sư đoàn 324, Sư đoàn 2, các đơn vị vũ trang mặt trận B5, B4, Đoàn 559, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, 3 trung đoàn công binh, 3 tiểu đoàn tăng-thiết giáp và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ. Phía bạn Lào, lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương và nhân dân các tỉnh Trung Lào đã đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh địch.

Bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã hoàn thành thắng lợi trọn vẹn các mục tiêu đề ra: Tiêu diệt lớn và làm tan rã nhiều sinh lực địch; giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược; làm tròn nhiệm vụ của một chiến dịch trên hướng chủ yếu…làm nên một Chiến thắng Đường 9-Nam Lào rực rỡ…

Đường 9 hôm nay…

Ngày 30-11, các đại biểu tham gia Hội thảo trở lại chiến trường xưa, đó là Bản Đông, thị trấn Sê pôn, trên con Đường 9. Tham gia hành trình ý nghĩa này, chúng tôi chợt nhớ đến chia sẻ của đồng chí Lê Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, tại Hội thảo: “Đường 9 năm xưa là bãi chiến trường. Hầu hết các xã ven Đường 9 là vùng đất trắng, bị địch chà xát không biết bao nhiêu lần bởi xe tăng, pháo hạm bắn vào; rừng núi, sông suối ken dày bom đạn, cây cối xác xơ bởi chất độc da cam”. Vậy nhưng, qua cửa kính ô tô, chúng tôi đang được chứng kiến cuộc sống mới bên con Đường 9 phẳng lì, rộng thênh thang, đang hồi sinh mãnh liệt. Phía trái Đường 9, dòng Đakrông đang chảy, trên đó có những chuyến đò đưa các cháu học sinh trong bộ đồng phục áo trắng, quần xanh đến trường. Xa xa hơn nữa là những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt. Bên Đường 9, còn có cao su, cà phê, hồ tiêu xanh ngút ngàn tầm mắt.

Qua Cửa khẩu Lao Bảo, chúng tôi đã thấy bà con nhân dân và các cháu thiếu nhi của nước bạn Lào, miệng cười tươi, tay vẫy Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc kỳ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, chào đón đoàn đại biểu về thăm chiến trường xưa. Bảo tàng Bản Đông hôm nay có lẽ cũng rộn rã hơn. Tại đât, tỉnh Xa va na khệt đã đón tiếp những người bạn liên minh chiến đấu năm nào bằng nghi thức trọng thị, song cũng thắm tình đồng chí, anh em. Sau khi dâng hương bên tượng đài bộ đội Pa-thet Lào và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, các đại biểu tranh thủ chụp ảnh lưu niệm, để ghi lại sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời mình.

Tại Bảo tàng thị trấn Bản Đông, Trung tá Thông Khăm, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 (thuộc mặt trận số 9 của bạn Lào), bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc khi tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ông kể: “Ngày 15-12-1971, khi kết thúc cuộc họp do trên triệu tập, tôi trở lại đơn vị thì thấy phần lớn lực lượng đã cơ động thực hiện nhiệm vụ đánh chặn địch trên hướng được phân công. Số còn ở lại đơn vị chủ yếu là anh em đang ốm đau. Vậy nhưng, ngay sau đó, đơn vị nhận được tin địch đã tiến công đến phía Nam bản Xa Ne, tôi lập tức tập hợp lực lượng lên đường đánh chặn địch”.

Lực lượng mà Trung tá Thông Khăm nói đến chỉ có vỏn vẹn 12 người, với vũ khí là một khẩu cối 82 với 20 quả đạn; phần lớn đều sử dụng tiểu liên AK (mỗi người 300 viên đạn). Do vận động tiến công bất ngờ, địch bị tan rã, lực lượng do Thông Khăm chỉ huy đã tiêu diệt được 32 tên địch.

Khi được hỏi về các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, Trung tá Thông Khăm nói: đó là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, luôn sát cánh cùng quân và dân các bộ tộc Lào chống lại kẻ thù chung.

Lưu luyến rời Bản Đông, đoàn đại biểu hướng về thị trấn Sê Pôn. Tuy cái nắng chói chang của vùng đất Hạ Lào những ngày cuối tháng 11 đang đổ lửa, song các đại biểu vẫn hăng hái thăm lại nơi Sư đoàn 2 trước đây đóng quân, sẵn sàng tiêu diêt địch tại khu vực được đảm nhiệm.

Trên hành trình từ Sê Pôn trở về Quảng Trị, bên dòng sông Sa Ki trên đất bạn Lào, nhiều người bày tỏ sự xúc động khi nghe Phó tỉnh trưởng tỉnh Xa va na khệt, Khăm Phởi, kể về trận đánh ác liệt giữa liên quân Việt-Lào với địch, khi chúng tiến quân từ Lao Bảo về Bản Đông. Trong trận đánh này, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, song bước tiến của quân địch đã bị chặn đứng và chúng cũng bị thiệt hại khá nặng nề. Đứng trên cây cầu Sa Ki, nhìn xuống dòng sông trong vắt phía dưới, chúng tôi thấy một cụ bà đang tắm cho 2 cháu nhỏ. Tiếng cười nói lanh lảnh, vang vọng cả một khúc sông. Hình ảnh gợi lên trong chúng tôi cảm nhận: Sau chiến thắng Đường 9-Nam Lào, cuộc sống không chỉ đã hồi sinh mà đang nảy nở, tràn trề nhựa sống…