Hỏi cung Đại tá tù binh Nguyễn Văn Thọ

Theo Tennguoidepnhat.net

Năm 1971, ông Phan Thiện Quốc đang là trợ lý ở Cục Nghiên cứu – Tổng cục Chính trị (nay là Cục Dân vận-Tổng cục Chính trị) thì được cử làm phái viên Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào với nhiệm vụ theo dõi công tác binh địch vận kết hợp với tác chiến của các đơn vị. Ông nhớ lại kỷ niệm trong lần tham gia hỏi cung viên Đại tá tù binh Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 Ngụy…

Hỏi cung Đại tá tù binh Nguyễn Văn Thọ
Nguyễn Văn Thọ (ngồi thứ hai từ phải sang) trình diện trước các nhà báo sau khi bị bắt. Ảnh tư liệu

“Đầu tháng 3/1971, chúng tôi nhận được điện chỉ đạo từ Hà Nội là phải kiểm tra thông tin và tranh thủ khai thác viên Đại tá tù binh Nguyễn Văn Thọ – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 – bị Quân Giải phóng bắt sống ngày 25/2/1971 để kịp thời đáp trả những tin tức bịa đặt mà báo chí của chính quyền Sài Gòn đang rêu rao là: “Đại tá Thọ đã thoát về hậu cứ an toàn”. Thật dễ hiểu bởi trước thất bại đau đớn, địch đành cố lấy lại tinh thần của quân lính và vớt vát hư danh của một binh chủng từng được coi là “Thiên thần mũ đỏ”, “con át chủ bài tin cậy của nền Cộng hòa”, kẻ địch lo sợ binh chủng dù mà thua trận thì khác nào “gươm kề tận cổ”.

Nhận chỉ thị của cấp trên, trong một gian nhà lá đơn sơ tại Mặt trận Đường 9 – Nam Lào, tôi, anh Mặc Lâm cùng Cục phó Nguyễn Văn Thường và một số phóng viên mặt trận đã có mặt để chuẩn bị cho buổi khai thác viên Đại tá tù binh. Chúng tôi đang chăm chú ngồi theo dõi tấm bản đồ chiến dịch thì một Chiến sĩ giải phóng dẫn một tù binh mang sắc phục binh chủng dù Ngụy có thân hình béo mập, mặt ỉu xìu đi tới. Anh Thường cho phép tên tù binh được ngồi. Viên tù binh rón rén ngồi xuống sau khi được cởi trói. Vẫn động tác rất nhà binh, anh ta ngồi nghiêm, mắt nhìn phía trước. Có lẽ trong đầu viên sĩ quan này đang hình dung những ngón đòn từ roi điện, dùi cui… như đã từng thấy trong các cuộc tra hỏi của Mỹ Ngụy. Thật bất ngờ với kẻ có tội vừa mới bị bắt, đồng chí Thường dùng từ “anh” và xưng “tôi” để hỏi cung: “Anh khai họ tên, chức vụ, ngày và nơi bị bắt?”. “Dạ thưa ông, tôi tên là Nguyễn Văn Thọ, Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3, bị bắt ngày 25/2/1971 tại đồi 31, khu vực cao điểm 456 Đường 9 – Nam Lào…”.

Hỏi cung Đại tá tù binh Nguyễn Văn Thọ - Ảnh 1
Cựu chiến binh Phan Thiện Quốc – Người tham gia hỏi cung Nguyễn Văn Thọ

Từ lời khai của Thọ và theo thông tin do các cán bộ địch vận của ta nắm được, viên Lữ trưởng Nguyễn Văn Thọ quê ở Vũng Tàu và được sinh ra trong một gia đình có 11 người con. Năm 1969, Thọ về nắm Lữ đoàn dù 3 từ tay Nguyễn Khoa Nam, sau đó Thọ tham gia các trận đánh tại Cuộc hành quân Chen-la 1 ở chiến trường Cam-pu-chia và bị thương ở chân. Với cái chân cà nhắc, nhưng Thọ vẫn tuân lệnh cấp trên lao vào chiến dịch “Lam Sơn 719” theo cách gọi của quan thầy Mỹ. Thọ có kể lại rằng anh ta đã từng rất hy vọng sau chiến dịch sẽ được cấp trên “quan tâm” cất nhắc cho cái lon tướng để sớm được “bằng anh bằng em”… Nhưng sự thất bại của Lữ đoàn dù 3 tại Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã làm cho giấc mộng “đeo lon tướng” của Thọ bị tiêu tan.

Tại buổi hỏi cung, Thọ kể quân lính Việt Nam Cộng hòa khá bất ngờ với sự xuất hiện của xe tăng Quân Giải phóng, vì thế quân Ngụy đã hốt hoảng nằm rạp xuống công sự, súng chống tăng M72 cũng không phát huy tác dụng. Viên đại tá tù binh còn kể khá chi tiết tại thời điểm bị bắt: “Quân lính chúng tôi khi bị các ông tấn công mạnh thì ai nấy tìm đường tháo chạy. Còn tôi, tứ phía đang bị vây hãm, không biết tính sao, tôi đành giả chết để lẩn trốn. Tôi vẫn nghe bên ngoài tiếng la thét xung phong, tiếng xe tăng gầm rú, biết binh lính của các ông đã đánh chiếm sở chỉ huy, xộc vào các chiến hào. Tôi thoáng nghe tiếng loa: “Không thoát được đâu, hàng thì sống, chống thì chết!”. Tôi chỉ kịp đứng dậy, giơ hai tay lên và bị bắt”.

Khi được hỏi: “Anh nghĩ sao về cuộc hành quân Lam Sơn 719?”, Thọ khai báo rõ ràng, trôi chảy những vấn đề như đã được cân nhắc, suy nghĩ kỹ: “Ngay sau cuộc họp của các sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam cộng hòa để tổ chức hợp đồng giữa các quân binh chủng trong chiến dịch, chúng tôi đã nói nhỏ với nhau rằng cuộc hành quân sẽ thất bại vì năm 1968 quân Mỹ ở Đường 9 – Khe Sanh trong một hệ thống công sự kiên cố lại được chi viện phi pháo tối đa mà còn thất bại. Đến Đường 9 – Nam Lào, chúng tôi không có bộ binh Mỹ tham gia, chỉ có yểm trợ bằng phi pháo, lại đụng độ với các ông, một đội quân chủ động trên một chiến trường đã được “lót ổ” thì thất bại là một điều đã được báo trước”.

Khi trả lời câu hỏi cuối: “Anh có nguyện vọng gì?”, Nguyễn Văn Thọ đứng bật dậy, quên rằng mình đang là một tù binh, anh ta nói như muốn khóc: “Dạ thưa, cho tôi được nhắn về gia đình, vợ con rằng tôi vẫn mạnh khỏe và được đối xử khoan hồng”.