"Khi tôi ra chiến trường máy ảnh là vũ khí"

Hương Thi (Theo Infonet)

Là phóng viên đầu tiên có mặt tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), những loạt phóng sự ảnh của Đoàn Công Tính đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân gây tiếng vang lớn. Cái tên Đoàn Công Tính được nhiều người biết tới từ đó. Anh tâm sự: "Với một anh phóng viên chiến trường như tôi, chỉ có thể là “cướp” ảnh mà chạy chứ đâu phải là săn ảnh...".

"Khi tôi ra chiến trường máy ảnh là vũ khí"
Cuộc hội ngộ của 2 cựu phóng viên chiến trường Nick Út (tác giả bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napal”)và Đoàn Công Tính vào tháng 4/2012

Vẫn hạnh phúc dù cái chết chực chờ

Kể về những lần vào chiến trường, cựu chiến binh - cựu phóng viên báo Quân đội Nhân dân Đoàn Công Tính hào hứng kể: "Tôi là người quá may mắn vì được 4 lần nhận quyết định ra chiến trường, dẫu biết trước một lần đi là một lần dấn thân vào chỗ chết. Là một phóng viên chiến trường, hơn nữa là một chiến sĩ, không riêng tôi mà với mỗi người lính thời chiến, còn gì vui hơn được xong vào chiến trường. Cái chết lúc đó chẳng là gì cả!".

Từng bị bom vùi nhiều lần, cứ mỗi lần bị vùi Đoàn Công Tính lại cố gắng xoay xở để thoát khỏi lớp đất đá rồi lại vừa chạy vừa chụp tiếp. “Có lẽ ông trời để tôi tiếp tục làm nhiệm vụ”, ông tâm sự.

Là phóng viên đầu tiên có mặt tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), những loạt phóng sự ảnh của Đoàn Công Tính đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân gây tiếng vang lớn. Cái tên Đoàn Công Tính được nhiều người biết tới từ đó.

Thời chiến, phóng viên viết có thể ở căn cứ chỉ huy quân sự để tổng hợp thông tin gửi từ mặt trận nhưng phóng viên ảnh phải là người có mặt ngay tại “chảo lửa” để ghi lại diễn biến cuộc chiến bằng hình ảnh thực. Bằng tinh thần vượt khó, lòng nhiệt huyết với nghề, Đoàn Công Tính luôn theo sát các chiến sĩ bộ đội ra chiến trường để có những bức ảnh chân thực nhất. Tại đây, Đoàn Công Tính vừa là một chiến sĩ vừa là một phóng viên, trên người lúc nào cũng vừa có súng vừa có máy ảnh. Ông thường nói vui rằng: “Tôi là một anh lính thực thụ, nhưng khác với đồng đội của mình, tôi chiến đấu bằng chiếc máy chụp hình”.

Phóng viên ảnh Đoàn Công Tính: `Khi tôi ra chiến trường máy ảnh là vũ khí`

"Nụ cười chiến thắng" dưới chân thành cổ Quảng Trị (15/8/1972)

Ông kể, có lần để cứu đồng đội mà quên mất nhiệm vụ chụp ảnh chiến trường, lao vào đào bới đất cùng các chiến sĩ khác, mặc cho chiếc ống kính máy chụp hình liên tục va đập vào đống gạch vỡ ngang tầm ngực. Cũng có lần khi qua sông Thạch Hãn để tiến vào Thành cổ Quảng Trị, chỉ một phút đắn đo rằng máy móc, tài liệu và những cuốn phim sẽ bị hỏng mà ông đã không kịp cứu một chiến sĩ bị đuối nước. Mãi đến bây giờ, Đoàn Công Tính vẫn không nguôi nỗi day dứt...

Đi chụp ảnh dạo

Sau chiến tranh, năm 1981 gia đình ông vào Nam. Ông nghỉ hưu non về nhà làm nhiều nghề để kiếm sống theo đúng nghĩa của nó. Nền kinh tế thị trường buộc người lính “oai hùng” năm xưa cũng phải ra sức vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Người phóng viên sẵn sàng đứng đầu tuyến lửa để chụp ảnh giờ cũng không hề ngượng ngùng khi kể về những ngày đi chụp ảnh dạo ở các công viên. Cái cần giữ lại Đoàn Công Tính vẫn luôn mang trong mình, đó là sự chân chất, mộc mạc nhưng rất trí tuệ. Sống thẳng không cúi đầu - đức tính ông học được của quân và dân Quảng Trị vẫn còn trong Đoàn Công Tính hôm nay.

Mỗi năm đôi lần về thăm lại chiến trường xưa, thỉnh thoảng tụ họp cùng những đồng đội cũ, Đoàn Công Tính luôn thỏa mãn về cuộc sống hiện tại. “Những anh em tôi, đồng đội tôi đổ bao xương máu, có nhiều chiến sĩ hy sinh vào đúng giờ khắc đất nước độc lập, vậy tôi là người quá may mắn", ông nói.

Nhớ lại những năm tháng ở chiến trường Quảng Trị, Đoàn Công Tính vẫn nhắc đến từng khuôn mặt, từng cái tên đã giúp đỡ ông trong suốt thời gian chiến đấu. Ông đã khẳng định rằng, nếu như không được các o, các chú đưa đường, cưu mang thì có lẽ ông không thể nào hoàn thành nhiệm vụ. Và một điều nữa, người Quảng Trị “lì” lắm, khổ thế, nguy hiểm thế mà luôn miệng cười nói. Dường như cái chết không là gì với họ. Chiến thắng cũng một phần vì những con người lạc quan, quyết chiến này mà có. “Quảng Trị là nơi gắn bó với phần đời ý nghĩa nhất của tôi. Tôi vẫn luôn coi Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình...”, ông bùi ngùi chia sẻ.