Ký ức đường số 9 (Phần 1)

Theo Tuổi trẻ

Hiếm có một con đường nào trên đất nước này lại chứa đựng trong nó những cột mốc của lịch sử như Quốc lộ số 9. Một tuyến đường chỉ dài hơn 300 cây số, vắt ngang xứ Đông Dương chạy từ Đông Hà (thủ phủ tỉnh Quảng Trị) lên đến bờ đông sông Mekong (tỉnh Savannakhet, Lào) giáp biên giới Thái - Lào, nhưng lịch sử của cuộc kháng chiến vệ quốc hôm qua hay công cuộc mở cửa hội nhập hôm nay đều gắn bó mật thiết với nó.

Ký ức đường số 9 (Phần 1)
Quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 - Ảnh: L.Đ.Dục

Và nhiều sự kiện diễn ra trên tuyến Đường này đang dự báo những tín hiệu khác...

Năm 1954, người Pháp bằng mọi giá để có được tuyến Đường số 9 về phía Nam Việt Nam. Và cuối cùng hiệp định Genève năm ấy đã chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến chia cắt.

Đường 9 và hội nghị Genève...

Nhà báo Úc Wilfred Burchett, người đã có mặt tại hội nghị Genève 1954, sau này kể lại số phận của tuyến Quốc lộ 9 trong cuốn sách Tam giácTrung Quốc-Campuchia-Việt Nam (China-Cambodia-Vietnam triangle- Nhà Xuất bản Thông Tin 1986) rằng để định ra ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc là một cuộc tranh đấu vô cùng gay cấn.

“Vấn đề vĩ tuyến 17 hay 16 có một tầm quan trọng chiến lược trọng yếu.Giữa hai vĩ tuyến đó có Quốc lộ số 9 nối Lào với bờ biển Việt Nam. Người Pháp muốn giữ Quốc lộ 9 để duy trì sự kiểm soát đối với Lào. Ông Phạm Văn Đồng muốn có nó để có thể tiếp tục sự ủng hộ của Việt Minh với Pathet Lào” (trang 41).

Cũng trong chương sách về hội nghị Genève mà W. Burchett là một chứng nhân này, có nhiều điều lịch sử đã không thể bày tỏ hết, hay chỉ cho người ta biết một nửa sự thật. Nhà báo Úc này đã đề cập đến những cuộc “đi đêm” giữa các cường Quốc tham dự hội nghị khiến ý chí thiết lập giới tuyến tạm thời của Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phải từ vĩ tuyến 13 lùi dần ra tới vĩ tuyến 16 và cuối cùng dừng lại ở vĩ tuyến 17.

Mặc dù W.Burchett có mặt tại hội nghị Genève, ông hiểu được lý do vì sao người Pháp (và Mỹ) quyết tâm đưa Quốc lộ 9 thuộc về miền Nam Việt Nam , nhưng có lẽ ông cũng không thể hình dung những gì mà con Đường này sẽ phải gánh lấy sau đó.

Người Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng Đường 9 thành hệ thống phòng thủ chiến lược, một tuyến phòng ngự mạnh nhất dài gần 100 cây số chạy từ quân cảng Cửa Việt lên Đông Hà tới biên giới Lao Bảo và đến tận vùng Nam Lào. Ý đồ bằng mọi giá đẩy giới tuyến quân sự tạm thời ra tới vĩ tuyến 17 để Quốc lộ 9 nằm gọn về phía Nam Việt Nam nhằm biến tuyến Đường này thành “con đê” ngăn chặn làn sóng xâm nhập từ phía Bắc.

Cùng với hệ thống cứ điểm trọng yếu dày đặc ở dọc Đường 9 như quân cảng Cửa Việt, căn cứ Đông Hà, Caron, Fuler, Rockpile, Tà Cơn, Khe Sanh, Làng Vây... xuyên sang tới đất Lào như Sepon, Mường Phìn...Giữa sông Bến Hải và Đường 9, cũng chạy dọc từ biển lên tận biên giới Việt - Lào là hệ thống hàng rào điện tử McNamara.

Với tất cả hệ thống bố phòng đó, việc có một tuyến Đường xuyên từ hậu phương miền Bắc vào tận Tây Nguyên, Nam bộ, cắt ngang qua Đường 9 là điều gần như không thể. Thế nhưng thực tế lại không như vậy!

Ký ức đường số 9 (Phần 1) - Ảnh 1
Chiếm căn cứ Đầu Mầu (3/1972). Ảnh: Đoàn Công Tính

Còn mãi với con đường

Năm năm sau hội nghị Genève, để tiến hành công cuộc giải phóng miền Nam, một con đường xuyên Trường Sơn hình thành từ Bắc vào Nam mà trở ngại lớn nhất trên tuyến này chính là các điểm vượt Đường 9. Giờ đây từ Đông Hà lên Lao Bảo, từ km 41 đến km 47 của Đường 9 có thể thấy dọc các cây cầu nhỏ bắc qua các khe suối luôn có thêm một tấm biển đề: “Di tích lịch sử - điểm vượt Đường 9 của Đường mòn Hồ Chí Minh”.

Có rất nhiều điểm vượt như thế bởi vượt Đường 9 là đi xuyên qua phòng tuyến được bố trí vô cùng cẩn mật. Nếu ngày đó giới tuyến quân sự tạm thời được chọn là vĩ tuyến 16 (đèo Hải Vân) có lẽ nhiều trang sử của đất nước đã khác đi, số phận con Đường 9 sẽ khác đi. Nhưng lịch sử lại không có những chữ “nếu”.

Lợi thế có được tuyến Đường số 9 về phía Nam Việt Nam đã khiến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước cam go hơn, lâu dài hơn. Và cũng vì thế mà câu chuyện con Đường số 9, từ đấy về sau và cho đến bây giờ luôn mang vác trong nó số phận được lịch sử lựa chọn.

Để hình dung những hi sinh của người lính trong cuộc chiến tranh vệ quốc, có lẽ không nơi nào hơn là đến để nhìn những nấm mồ ở nghĩa trang liệt sĩ. Giờ đây tại km 7 của tuyến Quốc lộ số 9 có một Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia mang tên Đường 9. Hầu hết mộ liệt sĩ ở đây đều được quy tập về từ chiến trường Lào, tập trung dọc theo Quốc lộ 9.

Gần 30 năm trước, có một đơn vị được thành lập mang phiên hiệu đoàn 584 (vì thành lập vào tháng 5/1984) thuộc tỉnh đội Bình Trị Thiên, chuyên làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên chiến trường Lào. Và gần 30 năm rồi, công cuộc quy tập ấy vẫn còn tiếp diễn.

Gần một vạn hài cốt người lính đã được đưa về an táng trong nghĩa trang này, nhưng dường như chưa biết bao giờ cuộc tìm kiếm sẽ dừng lại, dù cuộc chiến đã qua đi gần 40 năm và cuộc quy tập cũng kéo dài ngót 30 năm.

Tôi vốn thân thiết với những người lính của đoàn 584 từ thời vừa chia tách tỉnh Quảng Trị, đoàn trưởng của đoàn 584 bấy giờ là trung tá Trần Quang Trung, cho đến người đoàn trưởng tiếp theo là anh hùng lực lượng vũ trang, thượng tá Trần Hữu Lưu, người đã cùng đồng đội đi đi về về với những cánh rừng trên biên giới Việt- Lào, đi mòn con Đường số 9 gần 30 năm nay để tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Đã nhiều lần tôi ướm hỏi các anh khi nào thì cuộc tìm kiếm có thể tạm dừng, nhưng dường như không thể nào nói được. Con số những người lính còn nằm lại với Đường 9 trong chiến tranh lên đến con số vạn. Đã có một nghĩa trang liệt sĩ cấp Quốc gia là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn với hơn một vạn nấm mộ, đó là những người lính hi sinh theo tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh, trong đó rất nhiều người hi sinh trên “phòng tuyến Đường 9”.

Và giờ đây, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 cũng có gần một vạn nấm mồ được quy tập về, mưa nắng thời gian đã khiến những dấu vết di vật của liệt sĩ không còn nữa, hơn một nửa số mộ ở đây không được biết tên tuổi, đơn vị. Những tấm bia được ghi “Liệt sĩ chưa biết tên” chứ không đề là “Vô danh”. Hàng ngàn liệt sĩ chưa biết tên nằm quần tụ trên những quả đồi ven Đường 9.

Năm nay vừa đúng tròn 40 năm khi con Đường này được giải phóng hoàn toàn. Mùa hè 1972, các bản tin thông tấn trên toàn thế giới không ngày nào không nhắc đến những chiến sự trên tuyến Đường này.

Cũng mùa hè năm 1972 ấy, khi phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính lao theo những cánh quân trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tại một căn cứ ở áp sát Quốc lộ 9 khi ông chụp bức ảnh Chiếm căn cứ Đầu Mầu vào tháng 3/1972, hẳn ông không nghĩ rằng chỉ hơn nửa năm sau đó, bức ảnh ấy sẽ đi vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam .