Lịch sử Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9

Theo Dongha.gov.vn

Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1997).

Lịch sử Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9
Thiết kế Khu Hành lễ Nghĩa trang Đường 9 - Công trình do cán bộ ngành Tài chính chung tay nâng cấp, xây dựng
Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 nằm  trên một vùng đồi mặt quay ra hướng Quốc lộ 9 thuộc địa bàn phường IV; cách trung tâm thị xã Đông Hà gần 6km về phía tây. Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 được nâng cấp từ Nghĩa trang Liệt sỹ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 - 1984).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục Đường số 9, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng  là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965 - 1972.
 
Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320...
 
Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1997). Tổng kinh phí đầu tư gần 13 tỷ đồng, có 16 hạng mục công trình lớn nhỏ được thi công. Trong đó có hai hạng mục công trình lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử là Tượng đài chiến thắng và Khu hành lễ.
 
Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 có tổng diện tích là 13 ha với quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ (con số tương đối vì có những ngôi mộ tập thể). Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; có 785 mộ xác định chưa đầy đủ; còn lại chưa rõ tên tuổi. Trong số này có 8 anh hùng liệt sỹ hội đủ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Phần mộ liệt sỹ biết đầy đủ họ tên, quê quán được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương.
 
Khu 1: Cán bộ lão thành cách mạng và anh hùng quân đội: 88 phần mộ.
 
Khu 2: Tỉnh Vĩnh Phú: 332 phần mộ.
 
Khu 3: Tỉnh Thanh Hoá: 449 phần mộ.
 
Khu 4: Tỉnh Quảng Ninh và 6 tỉnh Cao Bắc Lạng: 17 phần mộ.
 
Khu 5: Các tỉnh miền Nam từ Đà Nẵng trở vào: 36 phần mộ.
 
Khu 6: Thành phố Hà Nội: 135 phần mộ.
 
Khu 7: Tỉnh Thái Bình: 321 phần mộ.
 
Khu 8: Các tỉnh Hà - Bắc: 145 phần mộ.
 
Khu 9: Các tỉnh Hải - Hưng: 295 phần mộ.
 
Khu 10: Các tỉnh Bình - Trị - Thiên: 278 phần mộ.
 
Khu 11: Các tỉnh Hà - Nam - Ninh: 340 phần mộ.
 
Khu 12: Các tỉnh Hà - Sơn - Bình: 252 phần mộ.
 
Khu 13: Thành phố Hải Phòng: 144 phần mộ.
 
Khu 14: Các tỉnh Nghệ - Tĩnh: 275 phần mộ.
 
Tượng đài chiến thắng cao 18m. Phần bệ tượng được kiến trúc thành hai phần: mộ tượng phía đông (nhìn lên bên trái) là biểu tượng sự đổ nát của Thành cổ Quảng Trị; mộ tượng phía tây tượng trưng cho một ngọn núi trong đại ngàn của dãy Trường Sơn "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Phần tượng thể hiện hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng chiến thắng sau ngày chiến tranh kết thúc, biểu thị tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào.
 
Khu hành lễ có các công trình: Nhà tưởng niệm - 2 bức phù điêu - 4 cụm tượng.
 
Nhà tưởng niệm là một công trình có diện tích 90m2 được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có 4 cột tròn, phía trên có 4 mái. Trên nóc có gắn một ngôi sao 5 cánh. Bên trong đặt một lư hương lớn để thắp hương. Xung quanh 3 phía của nhà tưởng niệm là ba mảng phù điêu khá lớn quây thành 3 góc. Trên mảng phù điêu chính giữa có gắn hàng chữ "Tổ quốc ghi công các liệt sỹ". Mảng phù điêu phía đông có nội dung thể hiện tinh thần đấu tranh bám trụ kiên cường của quân và dân miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng kể từ sau ngày hiệp định Genève được ký kết (20/07/1954) cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/04/1975); chính giữa là hình ảnh bà mẹ giới tuyến đang ngồi vá cờ Tổ quốc. Mảng phù điêu phía Tây thể hiện nội dung quá trình phối kết hợp của các lực lượng quân binh chủng của ta đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy, lập nên chiến thắng lẫy lừng Đường 9 - Nam Lào.
 
Phía trước nhà tưởng niệm có 4 cụm tượng ở bốn góc:
 
Cụm 1: Thể hiện hình ảnh anh bộ đội giải phóng cầm khẩu súng B41 cùng kề vai sát cánh bên anh bộ đội chủ lực của Pha-thét Lào.
 
Cụm 2: Thể hiện lực lượng ba thứ quân của ta sau ngày chiến thắng trở về, có hình ảnh anh thương binh đến viếng các anh hùng liệt sỹ.
 
Cụm 3: Thể hiện cuộc tiễn đưa các anh bộ đội giải phóng của ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào; người thiếu nữ đang làm thao tác buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay của anh bộ đội thể hiện tình cảm quốc tế gắn bó giữa hai dân tộc.
 
Cụm 4: Thể hiện hình ảnh anh du kích người dân tộc, cô gái thanh niên xung phong là lực lượng đưa đường, chỉ lối, tiếp lương tải đạn cho bộ đội giải phóng.
 
Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 là nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường đường 9 và chiến trường Quảng Trị nói riêng và trên đất bạn Lào nói chung. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ quy mô lớn, có tính nghệ thuật cao; thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước ta đối với những người con trên mọi miền Tổ quốc đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.