Nghĩa trang đường 9 - Ngào ngạt khói hương và nước mắt

Theo Dân trí

Quảng Trị, nơi có Nghĩa trang Quốc gia lớn nhất nước, những ngày này tấp nập những dòng người đổ về từ mọi miền đất nước, thắp hương tưởng nhớ những đồng bào, đồng đội đã hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay...

Nghĩa trang đường 9 - Ngào ngạt khói hương và nước mắt

Hàng chục năm đã qua, kể từ trận đánh khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (mùa hè 1972). Cuộc sống trên mảnh đất Quảng Trị đã dần hồi sinh, nhưng ký ức về một cuộc chiến khốc liệt với sự hy sinh của hàng nghìn người lính vẫn in sâu trong tâm tưởng từng người dân Quảng Trị, từng người lính già.

Trở lại chiến trường xưa, ông Vũ Phúc Ân (Đoàn cựu chiến binh Hà Nội) bùi ngùi nhớ lại: “Quảng Trị thời máu lửa chưa có cầu bắc qua sông Thạch Hãn như bây giờ, chúng tôi đã phải bơi qua sông giữa làn mưa bom của kẻ thù. Nhiều khi, cả đoàn 10 người cùng sang sông thì chỉ có 1, 2 người đến được bờ bên kia”.

Thắp nén nhanh cho những người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng, điều mà người cựu chiến binh già trăn trở chính là những nấm mồ vô danh. “Tôi không thể hình dung và tả hết, chiến tranh quá khốc liệt. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ đồng đội, tôi nhớ đến những người cùng ăn cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã hy sinh. Giờ người nằm đây, người không biết nằm đâu trong hàng nghìn nấm mộ vô danh”.

Tiếp lời người đồng đội, người lính Trung đoàn 42 F320 Nguyễn Nhân Hậu nhớ lại thuở 18: “Đơn vị chúng tôi bảo vệ phía đông Thành cổ, tiểu đoàn trụ được 7 ngày đêm thì phải thay tiểu đoàn khác vào. 7 ngày đêm không ngủ, chỉ ăn lương khô và uống nước. Trong thời gian đó, người nào hy sinh thì sẽ bổ sung người khác vào thay vị trí ngay. Có đồng chí vừa được bổ sung vào, chưa kịp biết tên, quê quán của nhau đã hy sinh. Chỉ huy cũng chưa kịp biết tên, nhớ mặt chiến sĩ…”.

Nghĩa trang Đường 9 những ngày này ngạt ngào hương khói và lòng tri ân của người đang sống với những người đã mất. Không chỉ có những người đồng đội đi tìm nhau, mà giữa cái nắng nóng như thiêu, những người mẹ, người em, người con vẫn rải bước đi tìm người thân. Từ Hải Phòng, mẹ Nguyễn Thị Chính (87 tuổi) lần từng ngôi mộ nơi Nghĩa trang Đường 9 để tìm con trai Nguyễn Văn Bích. Mẹ kể: “Con trai tôi nhập ngũ tháng 6/1968, đến năm 1975, gia đình nhận được giấy báo tử hy sinh ở mặt trận phía Nam. Tôi đã đi tìm con ở Nghĩa trang Trường Sơn mà không thấy, giờ đến Nghĩa trang Đường 9 hy vọng sẽ tìm thấy mộ con”.

Người mẹ liệt sỹ rơm rớm nước mắt nói tiếp: “Nếu tìm thấy con, tôi cũng không đưa nó về quê đâu, để nó nằm lại với anh em đồng đội. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là muốn thấy nấm mộ của con trước khi qua đời…”.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thủ đô, để con gái hiểu rõ hơn về quá khứ anh hùng, mảnh đất anh hùng, anh Cường dắt cô con gái mới học lớp hai vào Quảng Trị trong chuyến công tác của mình. Anh nói: “Tôi muốn con gái mình hiểu được lịch sử và cảm nhận dần những hy sinh, mất mát của cha ông để hôm nay thế hệ các cháu được hưởng. Những điều chính mắt cháu thấy qua chuyến đi này sẽ khiến cháu ý thức hơn về sự tự lập”.

Sau 81 ngày đêm, sau khi hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn, mảnh đất Quảng Trị không còn sự sống. Người dân trở về làng không còn nhà cửa, người thân, nhưng từ chính những mất mát đó, Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất Quảng Trị, con người Quảng Trị đã hồi sinh. Để đến hôm nay, dòng sông Thạch Hãn vẫn trong xanh, hiền hòa như chưa hề qua những ngày máu lửa. Và từ trong sâu thẳm của lòng mình, những người đồng đội cũ, những thế hệ trẻ sống trong thời bình cùng hướng về mảnh đất này, dâng nén hương tưởng nhớ các anh - những người con đã vì sự yên bình, ấm no của Tổ quốc.